Hỗ trợ người dân mua nhà không chỉ có gói 30.000 tỷ đồng
Trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến việc xử lý công trình sai phạm số 8B Lê Trực, nhà ở cho người có công, việc hỗ trợ mua nhà ở xã hội có còn tiếp tục hay không khi gói 30.000 tỷ kết thúc... Lý giải những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Những sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực mà Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nêu ngày 2/11 đã có kết luận chính thức.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. |
Công trình này được cấp phép độ cao giật cấp, phía trước là 44 mét, phía sau là 53 mét; nhưng chủ đầu tư đã xây 69 mét. Thủ tướng Chính phủ đã kết luận vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nêu rõ hạn chế yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng; sai phạm của chủ đầu tư là Công ty may Lê Trực. Thủ tướng đã yêu cầu TP Hà Nội rà soát, đánh giá đúng mức độ sai phạm; yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ công trình và phải đảm bảo an toàn trong quá trình phá dỡ. Từ vụ việc này, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương nâng cao quản lý đô thị, nhất là các thành phố lớn. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tích cực với các địa phương để kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm những công trình xây dựng trái phép.
Về nhà ở cho người có công, những gia đình đang ở trong những ngôi nhà không đảm bảo chất lượng thì phải được thực hiện ngay. Tuy nhiên hiện ngân sách còn khó khăn, với danh sách trên 70.000 hộ người có công, trong khi báo cáo của địa phương là 330.000 hộ, sau khi cân nhắc các nhắc điều kiện thì có khoảng 80.000 hộ được giải quyết (trong đó có 70.000 hộ nói trên).
Về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hiện đang được triển khai nhanh, nhiều đại biểu lo ngại hết chương trình này thì còn gói hỗ trợ khác không. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nhà nước quy định rõ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay mua nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước chỉ định Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Vì vậy việc này diễn ra lâu dài chứ không phải chỉ có gói 30.000 tỷ.
Quá nhiều loại phân bón
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết Bộ đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực như: Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp lâm trường quốc doanh; đã soạn thảo Nghị định về Hợp tác xã nông nghiệp; nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật; cơ giới hóa nông nghiêp đang được đẩy mạnh; đang phối hợp để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, lồng ghép các chương trình mục tiêu và khuyến khích đầu tư tư nhân. Thực tế, một số địa phương chủ động thực hiện tái cơ cấu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. |
Với những nỗ lực trên, cơ cấu sản xuất đang chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế. Đã có khoảng 200.000 ha diện tích gieo trồng lúa được chuyển sang trồng cây khác có giá trị hơn; trong sản xuất lúa đang có chuyển động mạnh theo hướng nâng cao chất lượng tỷ lệ giống lúa chất lượng cao tăng nhanh. Đối với các lĩnh vực khác cũng có sự thay đổi như đẩy mạnh tái canh cà phê, cải tạo vườn điều, thâm canh bền vững hồ tiêu, phát triển hợp tác công tư với cây chè, mở rộng diện tích cây ăn quả giá trị cao, phát triển chăn nuôi công nghiệp...
Tái cơ cấu chăn nuôi chủ yếu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả để có thể cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Chủ yếu là phổ biến nhân dân áp dụng kỹ thuật mới, giống mới, phát triển hình thức chăn nuôi có hiệu quả cao. Về thủy sản, tiếp tục phát triển đánh bắt xa bờ; năm nay ngư dân đóng được 800 tàu với công suất 90 mã lực; thực hiện Nghị định 67 đã hỗ trợ ngư dân đóng thêm được 30 tàu. Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng thâm canh bền vững. Với lâm nghiệp, tập trung trồng rừng gỗ lớn.
Tuy nhiên tái cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển động so với yêu cầu theo như các đại biểu phản ánh. Để đẩy mạnh tái cơ cấu thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn để thực hiện tái cơ cấu nhất là chính sách về thuế, vốn, đất đai; xây dựng và bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình dự án ưu tiên.
Về vấn đề Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu đang lưu hành quá nhiều loại phân bón, phân giả, kém chất lượng gây nhiều thiệt hại cho nông dân, đề nghị chỉ cho phép lưu hành 100 loại phân bón, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện Bộ quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác, Bộ Công Thương chủ trì quản lý phân bón vô cơ. Hiện có nhiều loại phân bón do nước ta có nhiều loai cây trồng, mỗi loại cây đòi hỏi tỷ lệ phối trộn khác nhau cho các vùng đất, mùa vụ khác nhau, cách dùng khác nhau. Hiện cả nước đang lưu hành khoảng 5.300 tên phân bón, trong đó 261 loại phân hữu cơ, vi sinh, còn lại là phân vô cơ. Theo Bộ trưởng, số tên phân bón như thế là nhiều. Hơn hai năm qua Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này; và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Còn về con số 100 loại phân bón, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các chuyên gian cân nhắc. Bộ trưởng cũng cho biết, hiện luật phân bón của Thái Lan cho thấy nước bạn quản lý, sản xuất phân bón trên quy định điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp và tiêu chuẩn kỹ thuật, không thấy nêu giới hạn về số lượng loại phân bón.
Để ngăn chặn có quá nhiều loại phân bón và ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng; có hai giải pháp quan trọng nhất, đó là xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại phân bón và quản lý chặt chẽ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thứ hai là yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh, đến 1/2/2016 nếu doanh nghiệp nào không đạt yêu cầu sẽ phải đóng cửa.