Chiều 5/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN. |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề để phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Những kết quả đạt được đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội, tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần khắc phục, sửa chữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, các bộ, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội; nghiêm túc quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu quan trọng. Phát triển kinh tế phải hài hòa với xóa đói giảm nghèo. Từ nhận thức đúng, các cấp, các ngành cần coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo chủ chốt – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo. Các chính sách cần rà soát theo hướng tập trung hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, theo hướng hỗ trợ sản xuất, gắn với bảo vệ, phát triển rừng và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương tiếp tục huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Các địa phương cần nghiên cứu, tập trung nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo; lồng ghép các chương trình mục tiêu; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích sự vươn lên của chính người nghèo.
Thủ tướng nêu rõ: Ban chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững cần chuẩn bị cho việc tổn kết chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; xây dựng kế hoạch giảm nghèo 2016-2020 theo hướng tiếp cận mới, với tiêu chí cao hơn, toàn diện hơn để tháng 10/2015 có thể cân đối, chuẩn bị nguồn lực.
Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ năm 2015 phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Giai đoạn 2016-2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo, trong đó , tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm ; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như: dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo được củng cố, tăng cường; thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu các văn bản chính sách, giảm đầu mối quản lý; nâng mức hỗ trợ hạ tầng cho vùng bãi ngang ven biển; kéo dài thời gian cho vay tín dụng; quan tâm đến các địa bàn đông dân tộc thiểu số; xem xét lại cơ chế xuất khẩu lao động tại các tỉnh, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa…
Theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của các địa phương, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ ,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm… Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên . Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Phúc Hằng (TTXVN)