Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Đại sứ Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva. Phát biểu tại Hội thảo có các diễn giả từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), CUTS International Geneva, Trung tâm Phương Nam, Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sỹ. Phát biểu của chuyên gia Việt Nam có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông và bà Bùi Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tại Geneva như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh Bưu chính thế giới (UPU)... cùng các chuyên gia Việt Nam từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... và đại diện từ các doanh nghiệp, quỹ tài chính tại Geneva, Thụy Sỹ, một số trường đại học như Đại học St Gallen, Đại học Kinh doanh Lausanne, Đại học Ngoại thương, Đại học Văn Hiến, Học viện Ngoại giao, Học viện Ngân hàng...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và được đẩy mạnh trên mọi mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt do yêu cầu ứng phó đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số được thảo luận tại nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành khác nhau tại Geneva. Thời gian qua, Trung tâm Phương Nam, Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL), UNCTAD, ITC đã phối hợp cùng với các tổ chức đối tác khác để theo dõi các xu hướng và chính sách liên quan đến việc tiếp cận, sử dụng và tác động của công nghệ kỹ thuật số từ góc độ phát triển; đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao mức độ sẵn sàng tham gia và hội nhập vào nền kinh tế số.
Trong khi đó, New Zealand, Chile và Singapore gần đây đã ký kết Thỏa thuận quan hệ đối tác kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, trong khuôn khổ WTO, ngày càng có nhiều nước thành viên tham gia vào đàm phán nhiều bên về thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, trang thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng chuyên biệt đã tăng mạnh và Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026. Tiến hành chuyển đổi số là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành các chiến lược và chính sách quan trọng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, nhằm cung cấp các giải pháp hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Chính phủ Việt Nam cũng đã lấy ngày 10/10 là Ngày chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva đã tổ chức Hội thảo này nhằm kết nối, chia sẻ nghiên cứu, kinh nghiệm giữa các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia quốc tế tại Thụy Sỹ về chuyển đổi số, tập trung vào thương mại điện tử và kinh tế số, là các chủ đề đang thu hút thảo luận tại nhiều tổ chức quốc tế tại Geneva.
Hội thảo bao gồm hai phiên, với các trình bày của các diễn giả và thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến xoay quanh các chủ đề như: (1) Các xu hướng và lựa chọn chính sách về chuyển đổi số, nhất là thương mại điện tử, kinh tế số trên thế giới, cũng như các cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam; (2) các vấn đề nổi cộm liên quan đến chuyển đổi số, thương mại điện tử hiện đang được thảo luận tại các tổ chức quốc tế tại Geneva như WTO, UNCTAD, ITC; (3) Đánh giá về các thực tiễn tốt, kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, học giả của Thụy Sĩ và Việt Nam về các ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số trong thương mại và kinh tế; (4) khuyến nghị về tranh thủ cơ hội chuyển đổi số hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.
Thực tế chuyển đổi số trên thế giới có tác động sâu rộng, bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm chuyển dịch phương thức quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và khoảng cách kỹ thuật số, việc thu thuế trong nền kinh tế số, quản lý lưu chuyển dữ liệu và an ninh mạng cũng như phát triển nguồn nhân lực...
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), 92% doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào. Do đó, việc học hỏi, tham khảo từ những chuyên gia quốc tế và các thực tiễn tốt sẽ giúp các nhà nghiên cứu, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp Việt Nam đưa ra lựa chọn giải pháp thích hợp để thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Thực tế và nghiên cứu trên thế giới cho thấy chuyển đổi số thành công sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo đà cho những bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự chuyển đổi cơ cấu toàn diện và các chính sách quốc gia cần được phối hợp đồng bộ trong đầu tư hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hoàn thiện khung pháp lý trong nước, đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Trong những năm gần đây, Việt Nam coi chuyển đổi kỹ thuật số là một trong những ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước trong tương lai. Ngày 3/6/2020, Việt Nam tiên phong ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình có mục tiêu kép là phát triển chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đồng thời xây dựng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có khả năng vươn ra toàn cầu. Đặc biệt, Chương trình đặt mục tiêu nâng vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng chính phủ điện tử của LHQ lên top 70 vào năm 2025 và top 50 vào năm 2030.