Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, cùng các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.
Đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực
Năm 2021, ngành Nội chính Đảng đã chủ động xây dựng, tham mưu chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và tích cực nghiên cứu, tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực và cải cách tư pháp. Đặc biệt lần đầu tiên ngành xây dựng và tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, gắn với Kế hoạch thi đua chuyên đề giai đoạn 2021-2025 của ngành Nội chính Đảng. Cũng là lần đầu tiên ngành tham mưu, tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là Hội nghị các cơ quan nội chính đầu tiên, với quy mô rất lớn, có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn về công tác nội chính. Ngành nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương 10 Đề án, chuyên đề lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, trong đó có nhiều vấn đề mới, vừa cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vừa giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra như phòng, chống tiêu cực, kiểm soát quyền lực, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ngành nhạy bén, cụ thể, quyết liệt, hiệu quả hơn trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, góp phần tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điểm mới trong công tác này là ngành vừa tham mưu cơ chế, vừa tích cực theo dõi, đôn đốc thực hiện có hiệu quả cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, bảo đảm sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Ngành chủ động, kiên quyết, kiên trì, cụ thể hơn trong phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu chủ trương, định hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nhất là các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý đất đai, tài sản công, thi hành án hình sự; các vụ án, vụ việc tại Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang...; chủ động đề xuất đưa một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
Theo báo cáo, năm 2021, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu, đề xuất đưa 475 vụ án, vụ việc vào diện ban thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo xử lý và các cơ quan chức năng đã giải quyết dứt điểm 3 vụ án, vụ việc, mới đây nhất là vụ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á. Ngành chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nổi cộm, phức tạp về an ninh, trật tự; công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả...
Tạo bước đột phá trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021 của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Nội chính Đảng.
Về công tác năm 2022, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Trong đó tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án về nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đề án về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; các chương trình, đề án được phân công theo Kế hoạch số 03 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận 21-KL/TW về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về một số vấn đề lớn trong các Đề án liên quan đến tổ chức, hoạt động các cơ quan nội chính...; nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định, tham gia ý kiến các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Toàn ngành chủ động, sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, không để "chững lại, hay chùng xuống", " không vì có dịch COVID - 19 mà ngừng lại, không xử lý". Trong đó tập trung tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về giám định, định giá, để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực đã khởi tố, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và các vụ án, vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Đặc biệt là tập trung tham mưu chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các sai phạm liên quan vụ án sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á và các vụ án, việc liên quan đến lĩnh vực y tế đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của Thường trực Ban Chỉ đạo; phối hợp tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tiêu cực theo Quy định 32 của Bộ Chính trị; tham mưu chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo về tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra, xử lý các hạn chế, vi phạm trong công tác giám định, định giá theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tạo bước đột phá trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.
Ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp của Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2022. Tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tham nhũng, tiêu cực như: lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch COVID - 19, quản lý sử dụng đất đai, việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công... Nhấn mạnh kiểm tra, giám sát là lĩnh vực còn yếu, Trưởng Ban Nội chính đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ với ủy ban kiểm tra để tham mưu chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy; xây dựng kế hoạch kiểm tra của ban mình, đảm bảo vừa có trọng tâm, trọng điểm, vừa không chồng, chéo, thiết thực, hiệu quả và đúng vai, thuộc bài.
Ngành chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định 11 - Qđi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy tiếp dân; phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại theo đúng Chỉ thị số 26 - CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn... Tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng thật sự "Trung thành, Liêm chính, Bản lĩnh, Tận tụy, Sáng tạo"; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp...
Tại hội nghị, 4 đồng chí có thành tích trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương đã vinh dự nhận Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương.