Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao phiên chất vấn đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhiều vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của nhân dân.
Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, lo lắng về tình hình mưa lũ trái mùa bất thường kéo dài, xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua khiến hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, nhiều tàu thuyền, ngư lưới cụ, lồng bè ven biển bị sóng đánh chìm, cuốn trôi, vùi lấp… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.
Cử tri cũng quan tâm về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đang tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân; việc xử lý của các cơ quan chức năng về hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm nay, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống của người dân...
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng đặc biệt quan tâm, phản ánh về tình trạng một số hộ dân đã có hành vi xây nhà, trồng cây dày đặc trên khu vực đất đang được triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Tình trạng chặt phá rừng, san ủi với quy mô lớn nhằm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh dịch vụ tại một số địa phương đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là khu vực các tỉnh Tây Nguyên, có sự tiếp tay, buông lỏng trách nhiệm quản lý đất đai của cán bộ cấp cơ sở. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Ông Dương Thanh Bình cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển tổng số 2.848 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy hầu hết các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến. Đến nay đã có 2.725 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (chiếm 95,71%), tuy nhiên vẫn còn 122 kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 11 và Báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tăng hơn so với cùng kỳ. Tại Trụ sở tiếp công dân trung ương đã tiếp 164 lượt với 462 công dân đến trình bày 162 vụ việc, trong đó khiếu nại 97 việc, tố cáo 15 việc, kiến nghị, phản ánh 50 việc; có 20 lượt đoàn đông người đến trình bày về 19 vụ việc (tăng 49 lượt với 248 người, tăng 47 vụ việc, tăng 9 đoàn đông người so với tháng trước).
Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và gây bức xúc cho người dân. Một số vụ việc liên quan đất đai có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự, cá biệt có vụ việc đang được cơ quan Công an phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Một số vụ việc khiếu kiện liên quan đến chung cư, trật tự xây dựng tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân bức xúc khi chủ đầu tư có thái độ không hợp tác, không bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số nội dung liên quan công năng sử dụng của tòa nhà...
Cơ bản đồng tình với các nội dung của báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo đã thể hiện được nhiều nội dung cụ thể nhưng có 2 vấn đề chưa nêu rõ nét. Thứ nhất, cử tri và nhân dân quan tâm đến việc các cơ quan chức năng xử lý đối với một số đại gia, thậm chí đối với quan chức cấp Thứ trưởng. "Đây là việc có tác động rất lớn trong dư luận xã hội, cần nói thêm để thấy sự kiên quyết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vi phạm pháp luật không có vùng cấm, không có ngoại lệ, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, cử tri cũng đánh giá cao việc tiến hành các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022 đã tạo chuyển biến tích cực trên thực tế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quy hoạch. "Nhiều dự án treo, quy hoạch treo nhiều năm buộc phải xem xét quyết định để xử lý. Nhiều dự án được giao cho các doanh nghiệp không đủ năng lực, tìm cách bán đi thì qua rà soát đã thu hồi, tạo niềm tin tốt trong nhân dân. Việc này trong báo cáo đã có nhưng cần làm rõ nét hơn", ông Bùi Văn Cường lưu ý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm minh các trường hợp trục lợi thông qua việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư, nhất là các địa phương đang triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; có giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động để hạn chế tình trạng thanh toán bảo hiểm xã hội một lần.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có giải pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; có giải pháp ổn định giá các mặt hàng tiêu dùng và thức ăn chăn nuôi; rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm đối với dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai...