Sau gần ba năm triển khai Đề án, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành trên 75% khối lượng nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động triển khai Đề án. Hầu hết các dự án, doanh nghiệp thuộc Đề án đều đã có chuyển biến nhất định. Trong số sáu dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có hai dự án bước đầu có lãi, bốn dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ so với cùng kỳ, cá biệt có dự án đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 xấp xỉ bằng cả năm 2018 (Dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình). Đối với ba dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh, đã có hai dự án vận hành trở lại, một dự án đã sẵn sàng khởi động lại khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Để hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các bộ, ngành hoàn thiện Báo cáo của Ban Chỉ đạo về tình hình và kết quả triển khai thực hiện việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (cập nhật số liệu đến tháng 8/2019) trước ngày 20/9/2019 để gửi các thành viên Ban Chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua để gửi Thường trực Ban Bí thư (qua Văn phòng Trung ương) và Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019.
Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các tập đoàn, tổng công ty, hoàn thiện Tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ về chủ trương để xử lý dứt điểm các vướng mắc mấu chốt còn lại của Đề án như: vướng mắc pháp lý trong quyết toán các hợp đồng EPC các dự án, doanh nghiệp; các giải pháp tài chính, tín dụng; hướng xử lý đối với một số dự án, doanh nghiệp cụ thể, gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2019.