Sự vất vả, hy sinh, gian khổ của nghề báo là điều mỗi phóng viên chân chính đều phải nỗ lực vượt qua, nhất là đối với mảng tin "nóng" hay mảng điều tra. Để có được một loạt bài điều tra hay một chùm ảnh độc quyền, các phóng viên phải lao động hàng tháng, chịu nhiều áp lực, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhưng khi bài báo vừa đăng lên, lập tức bị các trang mạng sao chép, đăng tải trái phép, "ăn cắp" trắng trợn công sức lao động của họ.
Nhà báo bức xúc
Phóng viên Hải Hiếu – Văn phòng Đà Nẵng, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh thường làm tin "nóng" về an ninh trật tự, các vấn đề được dư luận quan tâm, nên anh là một nạn nhân thường xuyên bị "ăn cắp" tin bài.
Đơn cử, chiều 21/4, phóng viên Hải Hiếu thực hiện và phát tin "Phát hiện một thi thể đã khô trên núi ở Đà Nẵng" trên Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ vài phút sau, tin và ảnh này đã bị sao chép nguyên văn, đăng tải trên một loạt trang website như: http://danang.lazu.vn, https://yeudanang.biz, https://tintaynguyen.com...
Theo phóng viên Hải Hiếu, thủ đoạn của các cá nhân, tổ chức này là lập ra các trang website có cách trình bày, tên miền gần giống các báo điện tử, đánh lừa người đọc. Sau đó mặc sức "ăn cắp" tin tức của báo chí về để câu view, thu hút độc giả. Khi đã có số lượt xem ổn định hàng tháng, các trang website này sẽ đăng ký kiếm tiền từ dịch vụ quảng cáo tự động của Google AdSense hoặc liên hệ với các doanh nghiệp để mời chào quảng cáo. Để tăng tính tương tác, thu hút lượt view, chủ của các trang website này cũng lập ra các diễn đàn, cộng đồng lớn trên mạng xã hội và đăng tải thông tin lên, như vậy họ có thể kiếm tiền quảng cáo cả trên các trang mạng xã hội.
Đối với các báo điện tử, trang tin điện tử hợp pháp thì dưới cùng của website luôn có thông tin về người chịu trách nhiệm, đơn vị chủ quản, giấy phép do Bộ hoặc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành cấp. Nhưng ở các trang web trên, hoàn toàn không có thông tin gì: không được cấp phép, không có tên cá nhân, tổ chức, không có địa chỉ, số điện thoại liên hệ...
"Điều này rất nguy hiểm, vì nhiều người đọc nghĩ các trang tin này là báo, sẽ tin tưởng và lan truyền thông tin. Nhưng thực chất đây là các trang website không được kiểm duyệt, chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, nguồn tin không rõ ràng. Như vậy, nguy cơ lan truyền tin giả, tin giật gân, câu khách, sai sự thật ở các trang tin này là rất lớn." - Phóng viên Hải Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm, phóng viên Nguyễn Xuân Tiến – Báo VTC News tại Đà Nẵng nhấn mạnh: Hành vi "ăn cắp" tin, bài của các báo mà những trang mạng đang thực hiện là không thể chấp nhận được và cần phải chấm dứt ngay. Không thể để tồn tại những người ngồi một chỗ, đánh cắp bài của các phóng viên, tòa soạn nhằm thu lợi. Đây là hành vi ăn cắp trắng trợn sản phẩm được đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức, thậm chí là máu và nước mắt của người khác. Chưa kể, việc phải chia sẻ lượng độc giả với các trang mạng này sẽ khiến các báo điện tử khó khăn do mất dần nguồn thu quảng cáo, phải gọi thẳng tên những trang website đó là những con "kền kền công nghệ" đang "hút máu" của các phóng viên, tòa soạn.
Tòa soạn lên án
Không chỉ gây bức xúc cho các phóng viên, nhà báo, việc vi phạm bản quyền báo chí còn gây rất nhiều khó khăn cho các Tòa soạn báo.
Nhà báo, Đại úy Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng Ban Thư ký – Biên tập Báo Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong khuôn khổ quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động, Báo Công an thành phố Đà Nẵng luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Báo Công an thành phố cũng luôn phải đối mặt với những "vị khách không mời", chính là các trang thông tin điện tử như danangz.vn, danang24h.vn, yeudanang.org, tintucbonphuong.info… và vô số website khác. Gần như mỗi ngày, các trang này đều tự tiện khai thác thông tin của Báo Công an thành phố Đà Nẵng, đăng tải lên trang của họ mà chưa có bất kỳ sự cho phép nào từ tòa soạn.
"Để có được một thông tin, đôi khi phóng viên phải theo đuổi hàng tháng, băng rừng, lội suối, xâm nhập vào các nhóm tội phạm… Thế nhưng, ngay khi vừa công bố, nó đã bị "dẫn nguồn" cực kỳ tùy tiện. Đó là sự xâm phạm thô bạo, là hành vi không thể chấp nhận được, dù xét theo khía cạnh pháp luật hay đạo đức xã hội. Chúng tôi hết sức lên án việc này và hy vọng các cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng, cũng như cộng đồng báo chí có những giải pháp mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng này." - Phó trưởng Ban Thư ký – Biên tập Báo Công an thành phố Đà Nẵng cho hay.
Còn nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhận định: Tuy có quy định về việc phải xin phép bằng văn bản khi trích nguồn báo chí nhưng tình trạng sao chép, nói đúng hơn là xâm phạm bản quyền báo chí vẫn khá phổ biến tại Việt Nam và chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Để hoạt động theo quy trình chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí phải tốn rất nhiều chi phí và công sức, nhiều khi không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà cả máu xương… Vì thế, hành vi xâm phạm bản quyền báo chí gây tổn hại vô cùng to lớn cho những cơ quan báo chí đang hoạt động nghiêm túc với mục đích duy nhất là phụng sự độc giả, khán thính giả.
Vừa qua, trang tin tổng hợp Google News đang bị cơ quan chức năng ở Pháp yêu cầu phải trả phí cho các cơ quan báo chí, hoặc sẽ phải gỡ bỏ toàn bộ các nội dung vì đã lấy tiêu đề và tóm tắt các bài báo để đưa vào ứng dụng của mình, việc này bị cho là trái phép. Ngày 19/4, chính phủ Australia quyết định buộc hai tập đoàn công nghệ toàn cầu Google và Facebook phải trả tiền cho việc đăng tải tin tức lấy từ báo chí trong nước. Các trang tổng hợp tin, nổi tiếng nhất là Flipboard, cũng phải có thỏa thuận chi trả cho những nội dung mà họ dùng công nghệ để tự động tích hợp. Vì vậy, việc vi phạm bản quyền thông tin báo chí tại Việt Nam cần được đẩy mạnh xử lý.
Bài 2: Tìm biện pháp xử lý triệt để