Ý kiến cán bộ, đảng viên về Hội nghị Trung ương 4: Các quyết định kịp thời và phù hợp với thực tế

Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa diễn ra đã thu hút sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp nhân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên khai Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Điểm mới của Hội nghị Trung ương 4 là đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn trong xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với “ngăn chặn, đẩy lùi”, phương châm mới của Đảng “chủ động” phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Chỉnh đốn đi liền với xây dựng là hướng đi biện chứng

Về vấn đề chống suy thoái về đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực, ông Trần Hữu Huỳnh, Ban điều hành Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, các quyết định của hội nghị rất thực tế, phù hợp và kịp thời. Nhấn mạnh yếu tố kịp thời, ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, nếu chậm nữa sẽ càng ngày càng khó khăn, vì nguyên tắc là đã chống, phải phát hiện sớm, có giải pháp kịp thời, hiệu quả, thực tế và kiên quyết để thực hiện, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình ra các quyết định đó như thế nào.

“Việc chỉnh đốn đi liền với xây dựng. Cho nên suy nghĩ của cá nhân tôi, đây là một hướng đi rất biện chứng. Vì chỉ có xây dựng mới tăng cường được hiệu quả của công tác chỉnh đốn và chỉnh đốn tốt, cũng là một cách đặt nền tảng cho việc xây dựng các biện pháp mới, cả hai việc đó đặt trong một mối quan hệ biện chứng song hành với nhau”. Ông Trần Hữu Huỳnh cho biết thêm.

Về vấn đề phai nhạt lý tưởng của một số đảng viên, ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền, đảng viên phải giữ được vai trò tiên phong và gương mẫu vì Đảng ta không có một lợi ích gì ngoài lợi ích vì dân, vì nước. Đảng lo cho người dân từ những việc lớn đến chuyện nhỏ. Vì vậy, tính tiên phong, gương mẫu, đức hy sinh của mỗi đảng viên phải trở thành một lí tưởng, nếu phai nhạt lý tưởng đó sẽ  không còn lí do gì để tồn tại…  

Về việc đổi mới tư duy phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng: Đổi mới là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phòng, chống dịch. Trong đó, đối với người dân, phải lấy an sinh làm trung tâm; đối với doanh nghiệp, phải lấy sự tồn tại và phát triển làm trung tâm, cách xác định như vậy rất hài hòa và hợp lý.

Khía cạnh thứ hai là phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời phải phát triển được kinh tế, xã hội, có như vậy, chúng ta chuyển từ quan điểm “zero COVID-19” sang sống chung với COVID-19 và coi COVID-19 như một hiện tượng. Về lâu dài, ta đưa nó thành một loại rủi ro để quản trị đất nước, thường xuyên có biện pháp kịp thời, chủ động… Đó là một cách tiếp cận không thụ động, mở thế chủ động, không phải giải quyết vấn đề ngắn hạn mà là dài hạn, không chỉ là vấn đề phòng, chống mà phải tạo ra được nguồn lực phòng, chống có hiệu quả, đó là cách làm tốt.

Phục hồi sản xuất, kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép

Tại lễ bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Phát biểu của Tổng Bí thư đã khiến rất nhiều người dân tâm đắc bởi đất nước đã trải qua thời gian dài tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch, đời sống của người dân, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh đi cùng với phòng, chống dịch là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu kép đã đề ra.

Ông Phạm Văn Lượng, đảng viên Chi bộ 5, Đảng ủy phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là người đã hoạt động lâu năm trong ngành Du lịch, ông rất tâm đắc việc  phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Ông cho rằng, du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Những năm qua, ngành Du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, lan tỏa những hình ảnh đẹp của đất nước, con người, văn hóa, di sản Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Thế nhưng, trước dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử, du lịch cũng là ngành nghề chịu ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề nhất. Ngành Du lịch ngừng trệ trên toàn cầu, các điểm đến du lịch, nơi lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí… hoàn toàn “đóng băng”. Kéo theo đó là hàng loạt doanh nghiệp phải giải thể, chuyển hoạt động, nhân lực trong ngành thất nghiệp… Do đó, việc khởi động lại các hoạt động du lịch ở các địa phương tiềm năng du lịch lớn của đất nước có ý nghĩa quan trọng, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp, nhằm từng bước vượt qua khó khăn, phát triển trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Ông Phạm Văn Lượng thấy rất mừng vì ngành Du lịch đã nhanh chóng có những bước chuẩn bị kĩ lưỡng để từng bước mở cửa trở lại du lịch nội địa và sẽ thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc vào tháng 11/2021 với phương châm “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”.
 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ: Gần 2 năm qua, hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ nhưng các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì thông qua hình thức trực tuyến nhằm khẳng định nước ta vẫn luôn sẵn sàng chào đón khách quốc tế trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã nhanh chóng chuyển hướng thị trường, kịp thời kích cầu, đẩy mạnh du lịch nội địa. Nổi bật là hai chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Có thể nói, kích cầu du lịch nội địa đã góp phần giảm thiểu tác động của COVID-19.

Thanh Giang - Nam Thái (TTXVN)
 Lấy sức mạnh toàn dân, tạo động lực vì mục tiêu kép
Lấy sức mạnh toàn dân, tạo động lực vì mục tiêu kép

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt, sự ghi nhận và đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN