Tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống tội phạm
Bày tỏ đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng chủ đề trọng tâm, có chọn lọc cũng như phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm đúng nội dung câu hỏi ở tất cả các lĩnh vực, cho rằng trước tình hình thế giới nhiều biến động, tội phạm gia tăng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng có diễn biến phức tạp, ông Hoàng Văn Hồng, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 12, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội mong muốn Bộ trưởng Bộ Công an cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Cùng chung ý kiến, ông Phạm Văn Nam - Đảng ủy viên phụ trách công tác Tuyên giáo Đảng ủy phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đánh giá Bộ trưởng Công an đã trả lời nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn như bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán chứng chỉ giả, tình trạng đưa tin không chính xác, phát tán video sai lệch trên không gian mạng, về vấn đề cấp hộ chiếu mới, cấp căn cước công dân, tội phạm ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi… Bộ Công an đã có nhiều giải pháp cụ thể, giải quyết những vấn đề tồn tại ở từng lĩnh vực cụ thể và được nhân dân tin tưởng, phấn khởi.
Không để các đối tượng thù địch xuyên tạc, tung tin giả, sai sự thật
Thời gian qua, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, người dân được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú. Bên cạnh lợi ích mang lại, người sử dụng mạng xã hội cũng gặp phải không ít những thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng, cắt ghép nội dung, các video có nội dung phản cảm… Các lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp, kịp thời rà quét, bóc gỡ và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân đưa thông tin giả, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội trên nền tảng số, nhiều thông tin xấu, độc vẫn bị phát tán trên mạng xã hội.
Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Hùng Dũng, cử tri ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh mong muốn Bộ Công an thời gian tới cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đông đảo người dân, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực”; kịp thời thông tin, họp báo về các vụ việc phức tạp, nhạy cảm mà dư luận quan tâm, không để các đối tượng thù địch lợi dụng, xuyên tạc, tung tin giả, sai sự thật.
Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội do nước ngoài cung cấp để gỡ bỏ những thông tin giả, xấu độc trên Internet và mạng xã hội, đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm để tạo sức răn đe và ngăn ngừa vi phạm.
Có giải pháp quyết liệt, xử lý triệt để "tín dụng đen"
Thể hiện sự quan ngại đặc biệt đối với vấn đề "tín dụng đen", cho vay nặng lãi đang có chiều hướng biến tướng, đặc biệt qua mạng xã hội, trên ứng dụng di động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hệ lụy, tội phạm gia tăng và nhiều gia đình khốn cùng, ông Phạm Văn Nam, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, những người vay nặng lãi phần lớn là những người lao động nghèo, cuộc sống quá khó khăn, phải đi vay để giải quyết những vấn đề cấp bách của gia đình như chữa bệnh, hay đảm bảo cuộc sống bình thường nhất, đến hạn trả lãi lại không có khả năng thanh toán tiền lãi, khiến tiền lãi tăng lên vài trăm lần. Nếu người vay chậm trả nợ, chủ nợ dùng nhiều biện pháp đe dọa người vay, người thân, bạn bè của người vay, thậm chí còn dùng những thủ đoạn đê hèn nhất để ép người vay, đẩy người vay vào đường cùng của cuộc sống.
Ông Phạm Văn Nam rất mong Bộ trưởng Bộ Công an, mặc dùng thời gian quan đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng thời gian tới vẫn cần phải có giải pháp quyết liệt, xử lý triệt để tín dụng đen, duy trì cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Ông Nguyễn Kiên, cử tri phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, “tín dụng đen” luôn đi trước các ngành chức năng về công nghệ, luôn tìm đến đúng đối tượng khó khăn, có nhu cầu để cho vay; luôn đưa những chiêu bài hấp dẫn mà người vay không lường trước được các thủ đoạn. Do vậy, các ngành chức năng cần thường xuyên phối hợp với các Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là tổ chức Công đoàn nắm tình hình khó khăn của đoàn viên và tuyên truyền các thủ đoạn, chiêu trò, các ứng dụng di động (app) tín dụng đen để người dân biết để không bị lừa. Mặt khác, hệ thống các ngân hàng cũng nghiên cứu để mở rộng đối tượng được vay tiền với các thủ tục đơn giản, phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Kiên cũng đề nghị Bộ Công an cần tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội; thường xuyên rà soát, bóc gỡ các ứng dụng di động, các tổ chức tín dụng đen, cho vay nặng lãi; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết; khuyến cáo người dân cần kịp thời tố giác hành vi cho vay nặng lãi của các tổ chức, cá nhân; đưa ra xét xử điểm một số đối tượng vi phạm.