Nhiều đại biểu chia sẻ như vậy bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khi đề cập đến việc bộ luật gốc liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 20/11.
Bộ luật chi phối động lực phát triển xã hội
Khẳng định ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động có vị trí quan trọng nhất bởi chi phối toàn bộ động lực phát triển của xã hội, trung tâm là người lao động.
Về bản chất, đây cũng là một bài toán kinh tế rất lớn, rất quan trọng bởi chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng làm thay đổi vận sự hành của cả nền kinh tế theo hướng tiêu cực hay tích cực. Vì thế, cần hài hòa trên cả hai phương diện, phương diện giá trị về mặt nhân văn, xã hội và phương diện về kinh tế.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ luật này được Quốc hội thông qua đang ở mức đáp ứng yêu cầu mang tính lý tưởng xã hội “là làm sao hướng tới giảm giờ làm, giảm cường độ lao động cho người lao động trong khi năng suất lao động thấp, thu nhập bị phụ thuộc”.
Đại biểu bày tỏ: Trong thời gian rất ngắn nữa, những sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật, sự cạnh tranh với thị trường lao động thế giới đang đòi hỏi chúng ta cần kịp thời chuẩn bị ngay từ bây giờ, “nếu không sẽ đi đến vấn đề về một cuộc khủng hoảng lao động rất lớn”.
Tạo sự cơ động cho Chính phủ
Bên lề Quốc hội, đề cập đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào Nghị quyết của kỳ họp, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy mong muốn giảm giờ làm, nâng lương, tăng thu nhập là xu thế của các nước. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá rằng, đất nước dù tăng trưởng nhưng năng suất lao động còn thấp, tăng trưởng chưa ổn định, việc giảm giờ làm từ 48 xuống 44, giảm 4 giờ mỗi tuần, tương đồng giảm 408 giờ mỗi năm, giảm khoảng 0,5% tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, đã giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.
Giảm lúc nào, cách thức như thế nào, Chính phủ hoàn toàn quyết định. Đây là tạo sự cơ động cho Chính phủ. Quan trọng là giữ được tốc độ tăng trưởng của đất nước, giữ được nền kinh tế phát triển - đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, phát triển kinh tế- xã hội, nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực là rất quan trọng. “Nếu hiện nay không tính bước dài hơi, mai sau sẽ thiếu nguồn nhân lực. Hiện nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động. Vấn đề là phải cố gắng để cải thiện điều kiện lao động, đổi mới công nghệ, tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp, nhân sự trong doanh nghiệp để giảm giờ làm, tăng thêm ngày nghỉ trong tuần và thúc đẩy tăng năng suất lao động. Đây là con đường quyết định về nguồn nhân lực của đất nước. Chúng ta không thể nói kêu gọi đầu tư FDI bằng mọi giá như trước đây mà kêu gọi những ngành, lĩnh vực sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao…”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Cho biết nhóm người làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và hưởng đủ 75% tiền lương, đại biểu đoàn Thanh Hóa nêu rõ: Chính phủ hiện đã ban hành danh mục 1.810 ngành nghề thuộc danh mục độc hại, nguy hiểm được quyền nghỉ hưu sớm. Danh mục này sẽ tiếp tục được bổ sung theo hướng đưa ra các ngành thoát khỏi độc hại, nặng nhọc, hoặc đưa vào theo hướng ngược lại. “Quy định này rất linh hoạt cho Chính phủ”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định.