Trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10) tổ chức ngày 11/10, bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Với chức năng khảo sát và phản biện xã hội, dựa trên nội dung của Bộ Luật Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPN Việt Nam) coi việc tham gia vào việc xây dựng dự thảo Luật Lao động là nhiệm vụ quan trọng. Hội đã bám sát tiến trình quá trình xây dựng Luật, đóng góp nhiều ý kiến vào các văn bản, đặc biệt là vấn đề tuổi nghỉ hưu, quyền lợi của lao động nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ…”.
Theo đó, quan điểm của Hội LHPN Việt Nam về vấn đề tuổi nghỉ hưu là cần điều chỉnh theo hướng linh hoạt, thu hẹp khoảng cách giới và đảm bảo cơ hội, quyền được làm việc và phát huy về trí tuệ cho nhóm đối tượng lao động có trình độ chuyên môn cao và nhóm đối tượng lao động nặng nhọc, độc hại, làm việc trong vùng có điều kiện kinh tế khó khăn có quyền được nghỉ hưu sớm.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thai sản cũng được Hội đề xuất, không chỉ là vấn đề của lao động nữ, mà còn của toàn xã hội.
“Khi phụ nữ mang thai, họ vừa phải đảm bảo trách nhiệm của người lao động vừa phải đảm bảo trách nhiệm của một người mẹ với thai nhi. Trong khi đó, hiện nay tại Điều 137 dự thảo Luật Lao động có quy định: Nếu được sự đồng ý của người lao động, người sử dụng lao động có thể được sử dụng phụ nữ mang thai làm việc ngày thứ 7 hoặc ngày thứ 6 (đối với vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa); được làm thêm giờ, được đi công tác xa, làm ca đêm… Những quy định này là không hợp lý, dựa trên quan điểm đảm bảo quyền lợi của lao động nữ mang thai. Hội LHPN Việt Nam cũng đã đề nghị không áp dụng những quy định này đối với nhóm đối tượng phụ nữ mang thai từ tháng thứ 7 và phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 ở khu vực kinh tế khó khăn. Bởi nếu coi đó là thực hiện quyền lao động thì rất dễ dẫn đến những ảnh hưởng trực tiếp cho bà mẹ và thai nhi. Cụ thể, dễ dẫn đến các nguy cơ như: Sinh non, ảnh hưởng tới sức khoẻ bà mẹ khi phải lao động nặng nhọc, mang vác nặng… Những quy định như vậy không phù hợp với điều kiện hiện nay, trong việc đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh”, bà Đàm Thị Vân Thoa cho biết.
Bên cạnh đó, vấn đề được nghỉ thêm 30 phút/ngày khi phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt và nghỉ thêm 60 phút/ngày đối với phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi cũng được đánh giá là mang tính nhân văn và rất cần thiết; có tính đến sự khác biệt về giới tính bởi thực tế, chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng đến sức khoẻ của phụ nữ. Quy định này giúp lao động nữ có cơ hội nghỉ ngơi, vệ sinh, tái tạo lại sức lao động, bảo vệ sức khỏe… Vấn đề này cũng đã Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, tổ chức khảo sát, lấy những ý kiến.
Cũng theo bà Đàm Thị Vân Thoa, về quy định lao động nữ khi đang nuôi con nhỏ được nghỉ 60 phút mỗi ngày để vắt sữa, nghỉ ngơi; Hội LHPN Việt Nam hoàn toàn đồng tình và thống nhất. Nhưng để quy định này có thể thực hiện được, cần phải xây dựng các phòng vắt sữa, trữ sữa, đảm bảo cho các bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi có nơi để nghỉ ngơi và vắt sữa cho con.