Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Ban lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu, hi sinh của các thế hệ cán bộ ngành y tế nói chung, cán bộ làm công tác y tế dự phòng nói riêng; biểu dương những đóng góp to lớn của y tế dự phòng thời gian qua.
Phó Thủ tướng nêu rõ: 60 năm qua, hệ thống y tế dự phòng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ góp phần đưa nền y học nước nhà dần tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm; thể trạng người Việt Nam đã được cải thiện ; công tác đảm bảo an toàn vệ sinh được tăng cường; hệ thống y tế dự phòng được củng cố...
Bước sang giai đoạn phát triển mới, những bệnh mới nổi, bệnh không rõ nguyên nhân tiếp tục xuất hiện. Gánh nặng do bệnh không lây nhiễm vẫn ở mức cao và ngày càng khó kiểm soát. Sự giao lưu, đi lại, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự biến chủng của vi sinh vật gây bệnh... tiếp tục là thách thức mới đối với ngành y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam cần đổi mới hệ thống y tế trong đó có y tế dự phòng để dự phòng kết hợp với điều trị phù hợp, sử dụng tốt nhất hệ thống cơ sở vật chất của cả dự phòng và điều trị... Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, phát huy truyền thống 60 năm vẻ vang, với tinh thần đoàn kết cao, hệ y tế dự phòng và ngành y tế tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Năm 1956, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định số 333/BYT-NĐ thành lập Vụ Phòng bệnh - đặt dấu ấn lịch sử cho việc thiết lập hệ thống y tế dự phòng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Cùng với sự hình thành, phát triển của ngành y tế trong 60 năm qua, công tác phòng bệnh đã có nhiều đổi mới. Với quan điểm “Y tế dự phòng tích cực, chủ động”, y tế dự phòng đã phát triển theo hướng toàn diện, chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khoẻ cộng đồng...
Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; đồng thời ngăn chặn thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm mới nổi. Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS, là điểm sáng về phòng chống HIV/AIDS.
Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững tại 100% xã, phường góp phần giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh có vắc-xin phòng ngừa cũng như thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm. Đến nay, nước ta đã đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ về phòng chống HIV, sốt rét và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em...
Bên cạnh thành tựu đã đạt được, y tế dự phòng cũng đang phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức do mặt trái của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tác động của toàn cầu hóa, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, y tế dự phòng cần có sự đổi mới về hệ thống tổ chức; y tế dự phòng không chỉ phòng chống dịch bệnh mà còn kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy cơ, trọng tâm là vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, thông tin, giáo dục truyền thông và tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầy nhằm năng cao sức khỏe cho nhân dân...
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Cục Y tế dự phòng. Đồng thời, Bộ Y tế đã trao tặng/truy tặng Giải thưởng Đặng Văn Ngữ đợt I cho 20 tập thể và 99 cá nhân có nhiều thành tích trong công tác y tế dự phòng...