Công văn cũng nêu rõ: Nếu việc thí điểm này có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa chất động Sơn Đoòng như báo chí phản ánh thì Quảng Bình phải yêu cầu tạm dừng thi công, đồng thời khẩn trương báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc này.
Việc thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng sẽ phải tạm dừng thi công nếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa chất. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Động Sơn Đoòng rộng 150 m, cao 200 m, dài gần 9 km được phát hiện vào năm 2009 là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam, gần biên giới Việt Nam - Lào. Đặc biệt, gần cuối động có một kỳ quan cực kỳ quý hiếm được đặt tên là “Bức tường Việt Nam” (The Great wall of Viet Nam) cao 90 m, được cấu tạo bởi nhũ đá, có tuổi đời ước đến hàng triệu năm, được các chuyên gia hang động đánh giá là kiệt tác thiên nhiên. Phía sau bức tường là đoạn hang dài 600 m và có lối ra cửa sau. Nếu khai thác du lịch xuyên động bằng cách lắp thang, leo dây vượt qua “Bức tường Việt Nam”, chắc chắn khối thạch nhũ này sẽ bị ảnh hưởng...
Trước đó, đã có một số báo chí đăng tải thông tin cho rằng phương án thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng mà Công ty Oxalis thực hiện có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu tạo địa chất động Sơn Đoòng. Các bài báo có nêu thông tin: Đầu năm 2017, Công ty Oxalis có tờ trình và đã được Bản quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đồng ý phương án thử nghiệm đi xuyên hang. Trước đây, du khách đi chạm vào “Bức tường Việt Nam” là quay ngược trở ra. Phương án mới cho phép du khách đi vào lối hang Én, đến cửa trước rồi vượt qua “Bức tường Việt Nam” và đi ra cửa hang. Để thực hiện phương án vượt “Bức tường Việt Nam”, Công ty Oxalis đề xuất 2 đoạn.
Đoạn 1, có độ dốc 45 độ, dài 65 m được gắn dây đai an toàn định vị thành một lối đi bộ trên nền đá phẳng chứ không đi bộ lên những nơi có thạch nhũ đang hình thành. Dây, đai an toàn và thang dây để vượt đoạn này được bắt bulong nở kim loại không gỉ vào đá (loại có chiều dài 10 cm và rộng 1 cm). Tổng cộng đoạn này có 23 chốt khóa gắn vào vách đá để gắn dây an toàn cho khách khi di chuyển. Trong số này có 8 lỗ khoan để gắn chốt mới, còn lại 15 chốt tận dụng vị trí mà các chuyên gia thám hiểm hang động đã gắn từ năm 2010.
Đoạn 2 là bức tường thẳng đứng có chiều cao 25 m được thiết kế thang lắp ghép (mỗi đoạn 2 m làm bằng vật liệu kim loại không gỉ) và dễ dàng tháo gỡ khi không sử dụng. Thang được cố định bởi điểm đầu thang và chân thang. Đỉnh thang được cố định vào đá vôi, chân thang được cố định tại nền hang. Đây là đoạn thường bị ngập nước khi có mưa lớn, có khi ngập cao đến 20 m nên đây là phương án tối ưu. Việc gắn thang nhằm giúp giảm thiểu tác động trực tiếp vào hang, đồng thời hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn xảy ra và dùng để làm lối thoát khi nước lũ ngập cửa vào cửa hang…