Do các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá hiện hành chưa chặt chẽ nên các công ty sản xuất thuốc lá vẫn có 1.001 “chiêu” lách luật, quảng bá hình ảnh thuốc lá đến với người tiêu dùng.
Siết chặt quy định trưng bày
Theo Ths. Lê Thị Thanh Hương, điều phối viên Dự án Hướng tới một Việt Nam không có quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá, Đại học Y tế công cộng: Vì Việt Nam chưa cấm hoàn toàn việc trưng bày thuốc lá mà chỉ giới hạn về số lượng thuốc lá được trưng bày nên có tới hơn 90% điểm bán hàng vi phạm quy định cấm trưng bày quá 1 bao/tút của một nhãn hiệu thuốc lá. Đây là kết quả điều tra từ năm 2009 - 2011 do Trường ĐH Y tế công cộng thực hiện tại 1.500 điểm bán thuốc lá ở 10 tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, để thu hút người tiêu dùng, các điểm bán hàng vẫn cố tình “lách luật” để vi phạm dưới nhiều hình thức: trưng bày nhiều sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá tạo thành các điểm quảng cáo hấp dẫn, dễ nhận biết; trưng bày mô hình bao thuốc; dùng giấy bóng kính làm vỏ tút thuốc, khiến các “thượng đế” dễ nhìn thấy cả 10 bao thuốc/tút, thay vì việc chỉ nhìn thấy vỏ 1 tút thuốc như trước đây… Để có không gian trưng bày “đẹp mắt” trong quầy hàng, các công ty thuốc lá thường trả tiền cho chủ cửa hàng, đồng thời còn cung cấp miễn phí các vận dụng trưng bày như tủ, kệ…
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Thông tư số 78/2008/TT-BVHTTDL đang được thực thi vẫn cho phép: “Tại mỗi điểm bán không được phép trưng bày quá một bao hoặc một tút của một nhãn hiệu thuốc lá”. Quy định cho phép trưng bày thuốc lá tại điểm bán chính là kẽ hở để các công ty tiếp tục quảng bá hình ảnh các sản phẩm thuốc lá đến người tiêu dùng.
Ths. Thanh Hương cho rằng, quy định trên thiếu chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn vì Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2004, có điều khoản cam kết quy định cấm triệt để bất kỳ hình thức trưng bày sản phẩm nào… Hơn nữa, trong nhiều văn bản pháp luật và mới đây nhất là trong Quyết định số 1315/QĐ-TTg, ngày 21/8/2009 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, đã đưa ra quy định cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.
Cụ thể, khoản 1b, Điều 25 của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đang được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII xem xét và dự kiến thông qua còn quy định “tại các điểm bán, không được trưng bày quá một bao hoặc một tút của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá. Theo Ths. Thanh Hương, cụm từ “một sản phẩm” trong quy định này là một “kẽ hở” rất lớn mà các công ty thuốc lá sẽ khai thác triệt để.
Việc trưng bày quá một hộp (tút) của một nhãn hiệu thuốc lá ở mỗi điểm bán là vi phạm pháp luật. |
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhấn mạnh: “Mỗi nhãn hiệu thuốc lá thường có 5 - 10, thậm chí nhiều hơn các loại sản phẩm khác nhau. Nếu cho phép trưng bày một bao/một tút của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá thì mỗi cửa hàng bán lẻ sẽ trưng bày hàng chục loại sản phẩm khác nhau của mỗi nhãn hiệu. Với hàng trăm nhãn hiệu thuốc lá hiện có tại Việt Nam, sẽ có hàng ngàn loại sản phẩm thuốc lá được phép trưng bày tại các điểm bán. Điều đó cũng có nghĩa các điểm bán lẻ sẽ trở thành những điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá”.
Bởi vậy, để tránh việc lợi dụng quy định trưng bày thành “chiêu” quảng cáo thuốc lá trá hình, nhiều luật gia và chuyên gia y tế cho rằng khoản 1b, Điều 25, trong dự luật cần bỏ cụm từ "một sản phẩm" và chỉ cho trưng bày như theo quy định hiện nay (Thông tư 78/2008/TT-BVHTTDL). Ngoài ra, cần có lộ trình tiến tới việc cấm hoàn toàn việc trưng bày thuốc lá tại điểm bán thuốc lá.
Ngăn tài trợ “trá hình”
Tại Việt Nam, ước tính có 33 triệu người lớn bị phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động tại nhà và trên 5 triệu người bị phơi nhiễm khói thuốc lá tại nơi làm việc. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam, với 11% tổng số ca tử vong là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Năm 2007, chi phí điều trị 3/25 bệnh liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim) đã lên tới 2.304 tỷ đồng. |
Hiện tại, Quyết định số 1315/QĐ-TTg còn có quy định: “Cấm mọi hình thức tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của công ty thuốc lá với mục đích quảng cáo các sản phẩm thuốc lá hoặc hình ảnh, tên tuổi của công ty thuốc lá”. Nhưng thực tế các thông tin tài trợ của công ty thuốc lá có thể dễ dàng tìm được trên phương tiện thông tin đại chúng với các hoạt động tài trợ nhân đạo như: xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai…
Theo Ths. Thanh Hương, hoạt động tài trợ vì mục đích nhân đạo, vì “trách nhiệm xã hội” của các công ty sản xuất thuốc lá thực chất cũng là một cách quảng cáo, tạo mối quan hệ tốt với công chúng. Vậy nên, nếu không “siết” các quy định về tài trợ thuốc lá, e rằng các công ty sản xuất sẽ có điều kiện lợi dụng kẽ hở này để quảng bá cho sản phẩm thuốc lá, khuyến khích sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.
Các chuyên gia công tác trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá băn khoăn vì trong Điều 16, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có một quy định khá “mở”, đó là “Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, phòng chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
“Theo các con số thống kê và tính toán của WHO, sử dụng thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong và là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Nếu dự thảo luật cho phép các công ty thuốc lá tài trợ cho hoạt động xóa đói, giảm nghèo thì sẽ là một nghịch lý. Thông qua các hoạt động tài trợ, các công ty thuốc lá có thể quảng bá cho thương hiệu của mình và cho người tiêu dùng lầm tưởng thuốc lá là sản phẩm thông thường, không độc hại”, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định.
Bởi vậy theo ông Quang, trong khi hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, dự thảo luật chỉ nên quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ cho hoạt động nhân đạo, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao so với các nước trên thế giới, tương đương với 15,3 triệu người. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, dự kiến con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Do đó, theo khuyến nghị của WHO, để giảm bớt gánh nặng tác hại của thuốc lá trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng và thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá với các quy định mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đúng theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: “Số lượng xử phạt các vi phạm hút thuốc lá ở nơi công cộng đếm trên đầu ngón tay” Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tỷ lệ xử phạt hành vi vi phạm hút thuốc lá ở nơi công cộng là rất thấp, số lượng có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân do thiếu chế tài và lực lượng xử phạt chưa đủ mạnh. Do đó, chúng tôi đang đề xuất: Người đứng đầu mỗi đơn vị phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tại chính đơn vị mình. Ngoài ra, các điều khoản quy định về xử phạt cũng cần điều chỉnh ở mức cao hơn, mới có tác dụng răn đe, tác động đến ý thức người hút thuốc lá. BS. Graham Harrison, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: “Việt Nam cần sớm thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá” Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú ý đến công tác giám sát thực thi các quy định, luật định. Muốn vậy, các bạn cần phải sớm thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá. Kinh nghiệm tại Thái Lan cho thấy, Quỹ nâng cao sức khỏe ThaiHeath tại đây đã thành lập năm 2010 với tổng kinh phí là 109 triệu USD. Nhờ vậy, Thái Lan đã có thêm nguồn lực vận động thành công Chính phủ ban hành nhiều chính sách: Cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tăng thuế thường xuyên; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên thuốc lá… |
Phương Liên (Thực hiện)