"8,5 euro" khai thông tiến trình lập chính phủ ở Đức

Báo "Nam Đức" ngày 16/10 đưa tin, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer tuyên bố sẵn sàng chấp nhận điều kiện về áp dụng mức lương tối thiểu của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc đàm phán thăm dò thứ ba về khả năng lập liên minh cầm quyền giữa đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), CSU và SPD ở Đức.

 

Đoàn đàm phán thăm dò lập chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel. DPA


Tuyên bố của ông Seehofer nêu trên được cho là bước đi quan trọng, giúp hai bên xích lại gần nhau hơn trong cuộc đàm phán thăm dò lần thứ ba ngày 17/10, xa hơn nữa giúp khai thông tiến trình đàm phán thành lập chính phủ mới cầm quyền ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Ngay từ chiến dịch tranh cử, SPD đã tuyên bố chủ trương áp đặt mức lương tối thiểu trên cả nước, khẳng định sẽ không có thỏa hiệp trong vấn đề này. Đặc biệt, sau cuộc đàm phán thăm dò thứ hai với CDU/CSU hôm 14/10, SPD thậm chí tuyên bố mức lương tối thiểu 8,5 euro hiện là điều kiện tiên quyết cho bất cứ cuộc đàm phán thành lập chính phủ nào với liên đảng.


Việc lãnh đạo kỳ cựu của CSU bất ngờ tuyên bố thỏa hiệp như trên là điều không khó hiểu, bởi sau khi đảng Xanh chính thức từ chối đàm phán liên minh với liên đảng, đối tác duy nhất còn lại là đảng trung tả. Bản thân đảng hiện diện duy nhất ở xứ Bayern này cũng có những yêu sách trái ngược với đường lối của SPD, như yêu cầu duy trì khoản tiền chăm sóc con cái cho cha mẹ khi họ không muốn đưa con mình tới các trường mẫu giáo, hay yêu cầu gây tranh cãi là áp thuế đối với lái xe nước ngoài trên các đường cao tốc ở Đức. Chủ tịch CSU Seehofer tuyên bố ông muốn dành cho SPD sự "bảo đảm" trước cuộc đàm phán lần ba, song cũng "yêu cầu có đi có lại", đó là kế hoạch 8,5 euro chỉ có thể được thực thi với một số điều kiện nhất định.


Trước khi đưa ra các tuyên bố trên, CSU vẫn là đảng lớn tiếng phản đối kế hoạch áp đặt mức lương tối thiểu và tăng thuế của SPD. Giới phân tích cho rằng dù đảng chị em trong liên đảng là CDU của Thủ tướng Angela Merkel chưa lên tiếng về những phát biểu của ông Seehofer, song tuyên bố mang tính thỏa hiệp của CSU đã cho thấy cánh cửa tiến tới thành lập một chính phủ đại liên minh đã rộng mở. SPD cũng rất muốn có được "lời hứa" khi họ tiến hành đại hội đảng vào ngày 20/10 tới để quyết định việc có tham gia đàm phán liên minh hay không.


Thực tế, ngay sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố, cả CDU/CSU và SPD đã muốn hợp tác trong chính phủ mới, một cấu trúc mà người dân Đức quen gọi là chính phủ Đen - Đỏ. Hai bên muốn bắt tay không chỉ vì họ là hai đảng lớn nhất trong Quốc hội, điều sẽ giúp họ giành đa số trong Quốc hội và có thể dễ dàng thông qua các quyết sách của đất nước, mà quan trọng hơn, chính sách của hai đảng không nhiều khác biệt như giữa liên đảng trung hữu với đảng Xanh.


Sau khi thống nhất về các chính sách, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về các vị trí trong nội các và đây cũng sẽ là cuộc ngã giá căng thẳng, bởi từ lâu SPD đã muốn nhắm tới vị trí Bộ trưởng Tài chính, vốn hiện do nhân vật kỳ cựu 72 tuổi của CDU Wolfgang Schäuble nắm giữ. Nhiều nhà phân tích cho rằng CDU/CSU và SPD sẽ thỏa hiệp để sớm có một chính phủ, có nguồn tin nói cuộc đàm phán thăm dò thứ ba sẽ chỉ có lãnh đạo ba đảng để tiện đi tới thống nhất. Hai bên chắc chắn không muốn tiến hành bầu cử lại, bởi họ lo ngại nguy cơ đảng "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) mới thành lập sẽ có chân trong Quốc hội. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đảng phản đối đồng tiền chung châu Âu euro AfD sẽ giành được 6%, và sẽ có đại diện trong Quốc hội, nếu diễn ra một cuộc tổng tuyển cử vào lúc này.


Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN