Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao ngày 8/1 đã xác nhận thông tin trên. Theo ông Nakao, hai ngân hàng đã lên kế hoạch cùng tài trợ cho một loạt dự án trong năm nay.
Logo ngân hàng AIIB tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
AIIB vốn bị xem là một "đối thủ" của Ngân hàng Thế giới (WB) và ngân hàng ADB (có trụ sở tại Philippines). Tuy nhiên, ông Nakao không tin rằng AIIB có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ADB, đồng thời khẳng định rằng hai ngân hàng rất vui mừng được hợp tác với nhau.
Trong phát biểu tại Manila, ông Nakao cho biết trong năm 2015, ông đã tiến hành hai cuộc hội đàm với Chủ tịch được chỉ định của AIIB Kim Lập Quần và thiết lập khuôn khổ cho quan hệ làm việc giữa hai thể chế tài chính này.
Theo ông Nakao, các ý tưởng hoạt động của ông Kim rất khác nhưng chính sự khác biệt này cho phép hai ngân hàng bổ sung cho nhau nhiều hơn. Sau các cuộc gặp trên, hai chủ tịch ngân hàng đã nhất trí cùng tài trợ cho một loạt dự án trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu về giao thông và năng lượng tái tạo. Các dự án này sẽ được công bố vào giữa năm nay.
Trước đó, Tân Hoa Xã đưa tin AIIB - dự kiến bắt đầu hoạt động vào tuần tới tại Bắc Kinh - sẽ "tung ra" gói cho vay dự án đầu tiên vào giữa năm 2016. AIIB có số vốn ban đầu là 20 tỷ USD.
Chủ tịch Nakao (cựu Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản) không nói rõ ADB sẽ dành bao nhiêu tiền cho các dự án đồng tài trợ với AIIB. Ông Nakao ước tính châu Á sẽ cần khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2010-2020 để bù đắp khoảng cách với thế giới về cơ sở hạ tầng.
Mỹ và Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, đã bác bỏ khả năng gia nhập AIIB. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn khác, trong đó có Đức, Anh, Hàn Quốc và Nga, đã ký kết tham gia ngân hàng này. Ông cho biết ADB hoan nghênh mọi sự trợ giúp nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở châu Á.