Đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt 804.259 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 13%; Cơ cấu nguồn vốn và tín dụng được chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 73,1%; Tỷ lệ nợ xấu 2,01%.
Mặc dù phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, vất vả, vừa căng sức “chống bão” xử lý các tồn tại, hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng, vừa đảm trách các nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn, chặng đường gần 3 năm Agribank thực hiện Đề án tái cơ cấu (2012-2015) đang bước vào giai đoạn nước rút với những dấu ấn hết sức quan trọng. Tính đến nay Agribank đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt 804.259 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 13%. Đáng chú ý, cơ cấu nguồn vốn và tín dụng được chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 73%. Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, Agribank cũng rất quan tâm đến vấn đề chất lượng tín dụng bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu. Nhờ đó đến nay tỷ lệ nợ xấu của Agribank ở mức 2,01%.
Bên cạnh hoạt động tín dụng truyền thống, thời gian qua, Agribank cũng tích cực triển khai các mảng kinh doanh dịch vụ. Thu dịch vụ vì thế tăng trưởng bình quân của hoạt động này tới 14,6%/năm.
Kinh doanh hiệu quả khiến lợi nhuận trước thuế năm 2014 của Agribank đạt 3.222 tỷ đồng và năm 2015 đạt 3.700 tỷ đồng; Các tỷ lệ an toàn hoạt động được đảm bảo…
Để đạt được những kết quả khả quan trên, Agribank đã từng bước thực hiện lộ trình tái cơ cấu toàn diện ngân hàng, bắt đầu từ việc lấy lại tinh thần cho hàng vạn cán bộ nhân viên, lấy lại lòng tin của hàng chục triệu khách hàng đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm qua.
Xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của đề án Tái cơ cấu, Agribank đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu.
Chỉ tính riêng từ tháng 11/2013 đến nay, đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, củng cố hệ thống kiểm tra – kiểm toán nội bộ, Agribank cũng đã hết sức nỗ lực chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường cán bộ hỗ trợ các các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao.
Hàng trăm cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm về công tác tín dụng của toàn hệ thống đã được Trụ sở chính trưng tập. Các đoàn công tác do các thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban điều hành trực tiếp phụ trách được phân công làm việc tại từng chi nhánh, thực hiện phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay.
Agribank cũng luôn là ngân hàng tiên phong trong việc chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, đặc biệt là khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Trong 3 năm qua, Agribank vừa tự khắc phục khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính như: chưa được cấp bổ sung đầy đủ vốn điều lệ theo lộ trình Tái cơ cấu, chi phí hoạt động cao do duy trì mạng lưới rộng và chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng nhỏ lẻ, vừa phải chịu áp lực và đối mặt với hàng loạt vụ việc, trong đó có những vụ án trọng điểm đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận.
Tuy vậy, bằng những nỗ lực của toàn hệ thống, Agribank đã đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng khách hàng ưu tiên do áp trần lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, đồng thời cũng đã thu hồi được trên 10.000 tỷ đồng đối với nợ đã xử lý rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo tài chính toàn ngành, đảm bảo đời sống và ổn định tinh thần đối với cán bộ, nhân viên và người lao động.
Agribank đang hoàn thiện chiến lược kinh doanh 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030, đặt mục tiêu xây dựng Ngân hàng phát triển ổn định, vững chắc theo hướng ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhiệm vụ đặt ra đối với Agribank lúc này là hơn lúc nào hết, toàn hệ thống phải cùng nhau đoàn kết, chung sức chung lòng để đương đầu và vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn.