Diễn đàn do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức.
Ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại hội thảo. |
Trong khuôn khổ MDEC - Hậu Giang 2016, Agribank tham gia với các hoạt động chính sau: Tham luận tại Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL; Ký kết hợp đồng tín dụng với các khách hàng của Agribank tại Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL; Ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Tham dự Đối thoại chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, tiếp cận tín dụng ngành hàng lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn. Cũng tại Diễn đàn MDEC lần này, Agribank được vinh danh là đơn vị có nhiều đóng góp đối với công tác an sinh xã hội vùng ĐBSCL.
Với gần 30 năm đồng hành, gắn bó cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ĐBSCL đã trở thành một phần máu thịt và là địa bàn quan trọng đối với Agribank.
Dư nợ cho vay của Agribank tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện chiếm khoảng 15% tổng dư nợ toàn hệ thống (chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ cho vay của các TCTD tại khu vực), nguồn vốn Agribank đầu tư cho vay sản xuất, kinh doanh, tạm trữ lúa gạo, tháo gỡ khó khăn đối với nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, trong đó ưu tiên mục tiêu chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi, cây trồng; mở rộng và ưu tiên cho vay các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đối phó với diễn biến biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, ngập mặn gia tăng tại ĐBSCL.
Đến 31/5, dư nợ cho vay theo một số chương trình, loại hình của Agribank tại khu vực này như sau: Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 88.000 tỷ đồng, chiếm trên 87% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản đạt trên 11.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay thu mua lúa gạo đạt trên 5.500 tỷ đồng; dư nợ doanh nghiệp cho vay xuất khẩu đạt trên 3.900 tỷ đồng; dư nợ cho vay tiêu dùng đạt trên 16.400 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đạt trên 58.600 tỷ đồng với trên 6.000 khách hàng còn dư nợ (trong đó có trên 1.600 khách hàng doanh nghiệp và trên 636.000 khách hàng hộ sản xuất và cá nhân); cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định /2013/QĐ-TTg đạt trên 1.800 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đóng mới tàu dịch vụ hậu cần và tàu khai thác hải sản xa bờ đạt trên 115 tỷ đồng…
Riêng về đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi liên kết theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ, Agribank đã quyết liệt đồng hành với Ngân hàng Nhà nước triển khai Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp với một số cơ chế đặc thù như: lãi suất cho vay chương trình thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; ngân hàng có thể xem xét cho vay các thành viên tham gia liên kết không có bảo đảm bằng tài sản nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết...
Tính đến 31/5, Agribank đã giải ngân vốn cho 11 dự án trong tổng số 13 dự án của 13 doanh nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố được NHNN phê duyệt cho vay thí điểm, doanh số cho vay đạt trên 1.424 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm đến 6,5%/năm, lãi suất cho vay trung hạn từ 9,5%/năm đến 10%/năm.
Trao đổi với báo Tin Tức, ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Agribank cho biết: "tại ĐBSCL, Agribank đầu tư cho vay thí điểm 2 dự án được NHNN phê duyệt gồm: Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco “sản xuất, chế biến, xuất khẩu” doanh số cho vay đạt 615 tỷ đồng; Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu Antesco doanh số cho vay đạt 79 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, chương trình cho vay thí điểm chuỗi liên kết trong sản xuất đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, là mô hình mà người dân và doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong dây chuyền sản xuất -chế biến - tiêu thụ, còn ngân hàng là đầu mối cung ứng và phân phối dòng tiền… cùng nhau tham gia các chuỗi giá trị nông nghiệp".
Tất cả các đối tác tham gia chuỗi liên kết đều giảm được chi phí hoạt động, sản phẩm đầu ra tìm được chỗ đứng tại các thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng luôn đặt các tiêu chí xanh, sạch, an toàn lên hàng đầu, nhất là khi Việt Nam vừa ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc mở rộng thị trường trở thành “bài toán” sống còn đối với vấn đề tiêu thụ hàng hóa, nông sản toàn cầu.
Tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2016, Agribank xác định đây là nhiệm vụ chính trị cùng Đảng, Chính phủ, Bộ, Ban, Ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL phát huy, khai thác tối đa nhiều lợi thế, tiềm năng của khu vực này còn đang bỏ ngỏ, qua đó góp phần tích cực hình thành xây dựng liên kết vùng, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với đối phó biến đổi khí hậu và chung tay cùng giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện thành công tầm nhìn phát triển ĐBSCL.