Ai Cập không cần viện trợ của Mỹ?

Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem al - Beblawi tuyên bố nước này có thể tồn tại mà không cần viện trợ từ Mỹ. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét lại chính sách với Ai Cập sau các cuộc đụng độ đẫm máu khiến gần 900 người chết và vụ bắt giữ thủ lĩnh tinh thần Anh em Hồi giáo.

Quân đội Ai Cập kiểm soát quảng trường Tahrir ở Cairo.  Ảnh; AP

 

Phát biểu với kênh ABC ngày 20/8, ông Beblawi cho rằng nếu Mỹ cắt viện trợ hàng năm cho Ai Cập, đây là một “dấu hiệu xấu” và sẽ ảnh hưởng đến quân đội nước này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông khẳng định Ai Cập vẫn sẽ vượt qua. Thủ tướng Ai Cập cũng cho rằng nước này đang đi đúng hướng và ông không lo ngại xảy ra nội chiến mặc dù xung đột ngày càng gia tăng giữa phe phản đối và ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.


Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã triệu tập các quan chức cấp cao để rà soát lại chính sách với Ai Cập - một đồng minh lớn của Washington ở Trung Đông. Chính quyền Mỹ đã chỉ trích việc Ai Cập bắt giữ thủ lĩnh tinh thần Anh em Hồi giáo Mohamed Badie và cho rằng hành động này không phù hợp với cam kết mà quân đội Ai Cập đưa ra về một tiến trình chính trị có sự tham gia của mọi thành phần. Tuy nhiên, Nhà Trắng bác tin Mỹ đã ngừng gói viện trợ hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập đồng thời khẳng định chưa có quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục viện trợ hay không. Trước đó, giới truyền thông đưa tin Mỹ đã “thầm lặng” chấm dứt khoản viện trợ quan trọng cho Cairo.


Cùng ngày, các ngoại trưởng EU đã họp ở Brussels (Bỉ) để bàn về số phận các khoản viện trợ. Khối này từng cam kết viện trợ khoảng 6,7 tỷ USD cho Ai Cập giai đoạn 2012 - 2013. Một quan chức EU cho rằng rút viện trợ có thể ảnh hưởng đến chính người dân Ai Cập, do đó cần phải cẩn trọng để không phản tác dụng.


Tòa án ra lệnh thả ông Mubarak


Tòa án ở Cairo ngày 21/8 đã yêu cầu trả tự do có điều kiện cho cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Tuy nhiên hiện chưa rõ ông này có được phóng thích ngay lập tức hay không trong khi vẫn phải đối mặt với các phiên tòa xét xử trong bốn vụ án liên quan, với các cáo buộc tham nhũng và sát hại người biểu tình.


Trước đây, khi các tòa án phê chuẩn quyết định trả tự do cho ông Mubarak, các công tố viên thường đưa ra những cáo buộc mới nhằm tiếp tục giam giữ cựu lãnh đạo này.


Trong khi đó, sau khi bắt giữ thủ lĩnh tinh thần của tổ chức Anh em Hồi giáo, chính quyền lâm thời Ai Cập đã bắt thêm hai quan chức cấp cao của tổ chức này là giáo sĩ Safwat Hegazy và một phát ngôn viên tên Mourad Ali. Giáo sĩ Hegazy bị bắt khi đang chạy trốn lệnh truy nã gần biên giới Ai Cập - Libya, còn Mourad Ali, phát ngôn viên của đảng Công lý và Tự do của Anh em Hồi giáo, bị bắt ở sân bay Cairo khi đang tìm cách đến Italy.


Hai vụ bắt giữ này xảy ra sau khi ông Mohamed Badie bị bắt hôm 20/8. Ông Badie sẽ bị đem ra xét xử vào ngày 25/8 tới cùng 5 lãnh đạo cấp cao khác của Anh em Hồi giáo với cáo buộc kích động sát hại người biểu tình, giết người và cung cấp vũ khí cho các thành viên trẻ của Anh em Hồi giáo.
Hồi tháng 7, chính quyền Ai Cập đã phát khoảng 300 lệnh bắt giữ nhằm vào các thành viên Anh em Hồi giáo. Hàng chục thành viên tổ chức này đã bị bắt từ tuần trước trong khi hàng trăm người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ kể từ hôm 14/8.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN