Bất chấp cảnh báo từ phía các cơ quan an ninh Ai Cập, hàng ngàn người ủng hộ cựu Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi ngày 29/7 vẫn tiếp tục tuần hành trên đường phố.
Trong các cuộc biểu tình thâu đêm, đám đông tiến về trụ sở các cơ quan an ninh, hô vang khẩu hiệu phản đối Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah el-Sisi và chính quyền quân sự. Theo báo chí địa phương, nhiều cuộc đụng độ bạo lực bằng gạch đá và đạn ghém giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi đã xảy ra.
Người ủng hộ ông Morsi trên đường phố Ai Cập ngày 30/7. AFP/TTXVN |
Tình hình được dự đoán là sẽ tiếp tục căng thẳng vì tổ chức Anh em Hồi giáo đã ra lời kêu gọi biểu tình “triệu người” cho đến khi “ông Morsi được khôi phục lại chức vụ, tính hợp hiến được bảo toàn”. Tổ chức này nói: “Mọi người dân, không phân biệt thành phần, sắc tộc, giáo phái phản đối chính quyền quân sự hãy ra các đường phố trên khắp cả nước nhằm giành lại tự do và phẩm giá bị cưỡng đoạt trong cuộc đảo chính đẫm máu”.
Lời kêu gọi biểu tình đã làm tăng khả năng xảy ra các cuộc đụng độ mới sau khi Hội đồng Quốc phòng Quốc gia Ai Cập cảnh báo người biểu tình “không vượt quá quyền bày tỏ quan điểm một cách hòa bình, có trách nhiệm”. Hội đồng này cảnh báo người biểu tình sẽ đối mặt với những quyết định và hành động cứng rắn, kiên quyết nếu xảy ra bất kỳ vi phạm nào. Quân đội Ai Cập cũng cảnh báo người biểu tình không tiến đến các cơ sở quân sự.
EU làm trung gian hòa giải
Trong khi đó, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, đã quyết định kéo dài chuyến công du tới Ai Cập đến ngày 30/7. Tại đây, bà Ashton đã có các phiên thảo luận riêng rẽ với Tổng thống lâm thời Adly Mansour, Phó Tổng thống phụ trách đối ngoại Mohamed ElBaradei, Tư lệnh quân đội El-Sisi và cả ông Morsi.
Cuộc gặp với ông Morsi kéo dài hai giờ đồng hồ tại một địa điểm giam giữ bí mật. Sau cuộc gặp với ông Morsi, bà Ashton cho biết ông Morsi vẫn "khỏe" và có quyền đọc báo chí, xem truyền hình. Tuy nhiên, bà Ashton từ chối cho biết nơi ông Morsi đang bị giam giữ và cũng không tiết lộ ông Morsi đã nói những gì. Đây là lần đầu tiên một người ngoài được tiếp cận với ông Morsi kể từ khi ông này bị giam giữ.
Mục đích chính của các cuộc thảo luận là tìm kiếm thỏa hiệp giữa các lực lượng chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin AFP, khi bà Ashton rời Ai Cập, không phe nào, dù là chính phủ lâm thời hay người ủng hộ ông Morsi, tỏ dấu hiệu cho thấy họ đã thay đổi quan điểm sau khi nói chuyện với quan chức EU này.
Cũng trong ngày 30/7, phát biểu với các phóng viên, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: "Chúng tôi lên án bạo lực... Chúng tôi kêu gọi đối thoại và thả Tổng thống Morsi".
Bạo động bùng phát mạnh tại Ai Cập từ cuối tuần trước sau khi Tòa án Ai Cập ra lệnh bắt giữ, điều tra ông Morsi vì các tội danh “giết người, thông đồng với nhóm vũ trang Hamas”. Dư luận Ai Cập cho rằng, đây rõ ràng không phải là bước tiến đến nền dân chủ mà nhiều người từng hy vọng. Mahud Ali, một thành viên của Liên minh Ai cập ủng hộ dân chủ nói: “Giữa ước mơ và thực tế là một khoảng cách quá xa. Chẳng có gì khác biệt trước và sau ngày 25/1. Tiến trình dân chủ không tiến triển. Người dân Ai Cập vẫn đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, không biết ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo hay chính quyền quân sự”.
Hoài Thanh (tổng hợp)