Bình luận về tình hình Ai Cập, chuyên gia cao cấp James Dorsey của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Xinhgapo, cho rằng sự kiện vừa qua tại nước này là điềm báo trước sự trở lại của tình hình sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.
Người biểu tình đeo mặt nạ hình Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại Cairô, ngày 10/7. |
Điểm khác biệt là hiện nay không còn những đòi hỏi từ người biểu tình giống như hồi năm 2011, như chấm dứt tình trạng nhà nước dùng cảnh sát để cai trị, tham nhũng, đòi tự do chính trị, nhân quyền, công bằng và phẩm giá.
Các cuộc biểu tình lớn của phong trào Anh em Hồi giáo (MB) chống lại việc lật đổ người kế nhiệm ông Mubarak, Tổng thống Mohamed Morsi, đang làm phức tạp mọi chuyện đối với quân đội, thế lực tự coi mình là người bảo hộ của đất nước. Trong mấy ngày qua, quân đội Ai Cập cho thấy họ đã rút ra được những bài học từ sự vụng về của mình trong giai đoạn chuyển tiếp lên dân chủ tại Ai Cập kéo dài 17 tháng sau khi Tổng thống Mubarak ra đi.
Bất kì nhóm cầm quyền nào nổi lên từ cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ phải điều hành một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, trong đó hàng triệu người ủng hộ MB tin rằng tình trạng chia rẽ hiện nay trong tiến trình dân chủ là nhằm loại bỏ sự tham dự của họ. Đồng thời, sự trở lại của lực lượng mà người Ai Cập gọi là nhóm “phản dân chủ”, bao gồm quân đội, lực lượng an ninh, hệ thống tư pháp và một phần giới truyền thông, dường như sẽ là một rào cản đối với tiến trình dân chủ.
Viễn cảnh không mấy tốt đẹp đó đang có cơ hội trở thành hiện thực khi quân đội có những hành động trấn áp giống như dưới thời Mubarak: bắt giữ hàng trăm thành viên MB, đóng cửa các cơ quan truyền thông Hồi giáo và tính toán việc truy tố ông Morsi. Việc 51 thành viên MB bị giết hại khi họ biểu tình trước cửa trụ sở Vệ binh Cộng hòa, nơi ông Morsi được cho đang bị giam giữ, tạo ra một tình thế tương tự như cuộc khủng hoảng năm ngoái, trong đó 74 khán giả xem bóng đá đã chết trong một cuộc ẩu đả mang màu sắc chính trị tại thành phố Port Said bên bờ kênh đào Suez. Khi đó, người Ai Cập đã tuần hành ủng hộ các cổ động viên bóng đá vũ trang còn giờ đây, MB kêu gọi nổi dậy chống lại sự leo thang bạo lực và trấn áp của quân đội.
Cho đến nay, quân đội vẫn cố gắng tránh tuyên bố thiết quân luật nhưng MB có thể khiến họ còn rất ít sự lựa chọn. Phong trào này đang xem những cuộc biểu tình hòa bình chống sự can thiệp của quân đội như là một cách để thu hút sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế và thuyết phục người dân Ai Cập rằng đất nước này đang trở lại thời kì chuyên quyền hơn là tiến tới sự chuyển tiếp dân chủ.
Dù cho diễn biến hiện nay có thế nào chăng nữa, quân đội Ai Cập đã nhận thấy rằng hình ảnh của mình đang xấu đi và phải chấp nhận hai thất bại lớn là từ bỏ bổ nhiệm ông El Baradei làm Thủ tướng lâm thời và không kiểm soát được tình trạng căng thẳng leo thang sau cái chết của những người biểu tình thuộc Anh em Hồi giáo.