An cư để lạc nghiệp

Dự án di dân buôn Mả Vôi thuộc xã Đức Bình Tây (huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) là một trong những dự án phục vụ di dời 69 hộ dân là đồng bào dân tộc Ê-đê đang sống ở buôn Mả Vôi cũ ven bờ sông Ba thường xuyên bị sạt lở.


Năm 2012, dự án này có diện tích 7,6 ha cơ bản hoàn thành với một số hạng mục hạ tầng như: đào 3 giếng nước, làm 4 km đường giao thông nội vùng, hệ thống điện, 3 phòng học, nhà sinh hoạt cộng đồng và phân 70 lô đất ở. Sau đó, huyện Sông Hinh tiến hành di dời dân nhưng đến nay chỉ có 28 hộ chịu đến nơi ở mới.

 

Khu định cư buôn Mả Vôi đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ.


Anh Y-BLao, Bí thư chi bộ buôn Mả Vôi cho biết: Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu định cư mới, bà con ai cũng mừng và đồng tình. Bà con chưa đi được là do mức tiền hỗ trợ quá thấp; chỉ 20 triệu đồng cho một hộ, trong khi hầu hết là đồng bào nghèo và muốn làm nhà sàn. Nhà ở đây nhỏ nhất cũng phải tốn 70 - 80 triệu đồng để làm nên không đủ để bà con đi.


Chị Hờ-Cóc, giáo viên lớp 1 tại Phân trường buôn Mả Vôi mới và gia đình chị cũng chưa đến làm nhà nơi ở mới. Chị Hờ-Cóc cho biết: "Ở đây, thấy chỉ có mấy cái giếng nước vừa để tắm giặt, vừa để uống; cây cối xung quanh lại không có nên đó là một trong những nguyên nhân bà con chưa muốn đi. Còn trong việc dạy dỗ, để duy trì 31 cháu học mẫu giáo và lớp 1, tôi và hai cô giáo nữa cùng một số phụ huynh cứ sáng chở các cháu từ buôn cũ đến lớp, rồi trưa phải chở các cháu về nên việc học cũng rất khó khăn".


Như vậy, nguyên nhân chính là do thiếu nước sinh hoạt và kinh phí hỗ trợ để đồng bào đến nơi ở mới quá thấp, không đủ tiền để làm lại nhà.


Hiện nay, hơn 40 hộ vẫn còn ở tại buôn Mả Vôi cũ trong điều kiện rất nguy hiểm vì nhà của bà con nằm cách bờ sông Ba chỉ vài chục mét. Trong khi đó, năm nào cũng vậy, mỗi khi vào mùa mưa cộng với lúc Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ đều “ăn” vào đất liền từ 3 đến 7 mét. Hậu quả, bà con không chỉ mất đất sản xuất mà hàng chục nhà dân còn đứng trước nguy cơ bị nước cuốn trôi.

 

Lớp mẫu giáo ở dự án khu định cư buôn Mả Vôi.


Rơ Chăm Quy - một thanh niên đang ở buôn Mả Vôi cũ chỉ cho tôi thấy một đoạn sông Ba vừa “ăn” vào đất trồng sắn của gia đình một đoạn dài khoảng 50 mét, sâu từ 5 đến 7 mét. Rơ Chăm Quy nói: “Đoạn này sạt lở cách đây khoảng 3 tháng, không những mất đất trồng mì của gia đình mà còn nhiều đoạn khác nữa làm mất đất của bà con xung quanh”.


Tuy vậy, để bà con ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất, Đảng ủy, UBND xã Đức Bình Tây vẫn quyết tâm vận động, thuyết phục bà con đến nơi ở mới.


Ông Phạm Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây khẳng định: Mặc dù bà con còn khó khăn nhưng xã tiếp tục vận động các hộ còn lại vào buôn mới ở. Hiện nay, bà con đang thu hoạch hoa màu làm sao để có thêm nguồn vốn làm lại nhà mới. Xã cố gắng đến năm 2014 tất cả 69 hộ vào nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Phát triển chưa tương xứng

Tại buổi tọa đàm về “Chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được tổ chức tại Đắk Lắk tháng 10/2013, bà H’Ngăm Niê Kdăm - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Tây Nguyên là vùng có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng, nhất là các ngành lâm nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến, xuất khẩu và du lịch. Việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực còn nhiều vấn đề tồn tại như: Chất lượng nguồn nhân lực của khu vực còn thấp; công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ chưa thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế - xã hội; công tác điều tra, dự báo, quy hoạch chưa theo kịp với yêu cầu; việc sử dụng các tài nguyên chủ yếu chưa thật sự hiệu quả..

H’Ngăm Niê Kdăm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

 

Hướng vào lợi thế nông, lâm nghiệp

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 3/2013, đã có khoảng 140 dự án FDI còn hiệu lực ở khu vực Tây Nguyên, với tổng vốn đăng ký trên 828 triệu USD. Con số này, chưa xứng với tiềm năng của vùng. Đây là vùng có nhiều lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học, với các dự án chế biến trà và hoa xuất khẩu, các loại cây công nghiệp và sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, cao su, ca cao… Thực tế, trong tổng số 140 dự án FDI còn hiệu lực ở Tây Nguyên, có 77 dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, với tổng vốn đăng ký trên 346 triệu USD. Đứng thứ hai là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với 43 dự án, 187 triệu USD.

 Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT

 

Chính sách còn bất cập

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách lâm nghiệp cho cả nước nói chung và đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Các cơ chế, chính sách lâm nghiệp hiện hành đã và đang phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại địa bàn Tây Nguyên, không ít chính sách còn bất cập, hiệu lực và hiệu quả chưa cao, thậm chí một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cũng phải nhìn nhận hiện nay vẫn còn một số vấn đề vướng mắc tồn tại trong cơ chế, chính sách lâm nghiệp vùng Tây Nguyên đặc biệt là chính sách giao đất, giao rừng, thuê, khoán bảo vệ rừng. Giao rừng, cho thuê rừng chưa gắn với giao đất cho thuê đất lâm nghiệp. Nhiều nơi, diện tích rừng và đất rừng chưa được giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân ở một số nơi hiệu quả còn thấp, người nhận khoán vẫn nhận tiền nhưng không thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng…

 Ông Nguyễn Bá Ngãi, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT

 


Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, ông Trần Thanh Định cho biết, huyện đã lập nhiều dự án để di dời ít nhất 690 hộ dân với gần 2.870 khẩu đang sống dọc theo vùng sạt lở sông Ba thuộc các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên mới đầu tư Khu di dân buôn Mả Vôi với dự toán 35 tỷ đồng. Đến nay, Khu di dân buôn Mả Vôi cơ bản hoàn thành với kinh phí gần 20 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 12 tỷ đồng, nên rất khó khăn.


Ông Định cho biết thêm, về lâu dài Khu di dân buôn Mả Vôi sẽ được đầu tư thêm hai hạng mục quan trọng khác là hệ thống thủy lợi tưới cho khoảng 80 ha lúa, mía và hệ thống cung cấp nước sạch cho bà con.


Để có hệ thống nước sạch cho bà con, huyện đã xây dựng 2 phương án, một là kéo đường ống từ Nhà máy nước Hai Riêng về cung cấp, hai là khai thác nguồn nước từ hồ thủy điện Sông Ba Hạ với kinh phí đầu tư khoảng 17 tỷ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt xây dựng một trạm bơm để tưới cho 80 ha lúa và mía. Tuy nhiên, do không có kinh phí đầu tư nên phải lồng ghép các chương trình, dự án, trong đó có chương trình 30a của huyện vừa được Chính phủ phê duyệt. Huyện rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh để bà con sớm ổn định cuộc sống.


Có thể nói việc xây dựng Khu di dân buôn Mả Vôi là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện huyện Sông Hinh còn nghèo nên UBND tỉnh Phú Yên cũng như Trung ương cần quan tâm xem xét, ưu tiên cân đối nguồn vốn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng khu di dân buôn Mả Vôi, đồng thời tăng kinh phí hỗ trợ để bà con dân tộc Ê-đê yên tâm đến nơi ở mới ổn định đời sống.

 

Bài và ảnh:Thế Lập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN