Theo mạng tin "Diễn đàn Đông Á" ngày 29/6, Xyri đang có nguy cơ trở thành một trong những thách thức chính sách đối ngoại nổi cộm nhất của Ấn Độ do những lợi ích xung đột của các cường quốc khu vực và quốc tế.
Khói bốc lên sau một cuộc không kích của quân đội Xyri tại thành phố miền đông bắc Deir Ezzor. |
Các cuộc thương thuyết thành công của hội nghị hòa bình Geneve II sắp tới là hy vọng duy nhất để tránh khỏi kịch bản khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất và một cuộc nội chiến ác liệt tại Xyri. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Liên đoàn Arập (AL) có thể can dự vào cuộc đối thoại với Xyri, nhưng các nước này không có sự tin tưởng của chính phủ Xyri để đứng đầu một tiến trình chuyển tiếp hòa bình. Đây chính là nơi vai trò của Ấn Độ đang nổi lên.
Ngoài mô hình dân chủ thế tục, Ấn Độ đang được coi là một người bạn cần thiết đã được thời gian thử thách của Xyri do Niu Đêli tiếp tục hỗ trợ sự nghiệp của người Palextin và ủng hộ việc trả lại Cao nguyên Golan đang tranh chấp cho Xyri. Lập trường của Ấn Độ đối với Iran và mong muốn của Niu Đêli trong việc trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đang được Xyri ủng hộ. Ấn Độ và Xyri đã xây dựng mối quan hệ song phương dài hơn 50 năm, cùng cộng tác trong tiến trình hòa bình và chương trình phát triển Trung Đông. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ Xyri đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng họ mong muốn Ấn Độ đóng một vai trò tích cực trong đàm phán hòa bình - một lập trường hiện được Nga và Iran ủng hộ.
Chính phủ Xyri đang giữ tiếp xúc thường xuyên với Niu Đêli và coi Ấn Độ là một cường quốc ổn định đáng trân trọng. Tại hội nghị mới đây của Phong trào không liên kết (NAM) tại Iran, Ấn Độ cũng đưa ra những ý kiến về tình hình Xyri. Do vậy, nếu có bất kỳ sáng kiến hòa bình nào ở cấp LHQ, một vai trò chủ chốt của Ấn Độ sẽ được Đamát hoan nghênh.
Ấn Độ đang có những phản ứng thận trọng, nhưng chắc chắn và rõ ràng đối với cuộc khủng hoảng Xyri. Ấn Độ quan ngại rằng bất ổn tại Xyri có thể lan sang các nước láng giềng và ảnh hưởng tiêu cực tới các lợi ích quan trọng của họ, bao gồm sự an toàn của những kiều dân Ấn Độ tại vùng Vịnh, luồng tiền gửi về nước, các nguồn cung cấp năng lượng, an ninh lương thực, hoạt động đầu tư vào các dự án, việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, nạn cướp biển và những vấn đề nhạy cảm của cộng đồng Hồi giáo lớn tại Ấn Độ. Việc Ấn Độ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của HĐBA LHQ về Xyri đánh dấu sự thay đổi quan trọng từ lập trường không cam kết trước đó của Niu Đêli đối với Mùa Xuân Arập.
Cuộc khủng hoảng Xyri hiện đã đi quá xa và rõ ràng để gỡ rối nút thắt này là điều không hề đơn giản. Mặc dù tình trạng bạo lực không suy giảm, nhưng một sáng kiến hòa bình là có lợi cho tất cả các bên. Sự có mặt của tất cả các bên liên quan tại Hội nghị Geneve II là cần thiết để đảm bảo tính bền vững lâu dài của bất kỳ nghị quyết nào. Những bài học trước đây từ Kosovo, Irắc và Ápganixtan cho thấy rằng một sự thay đổi chế độ vội vã không đảm bảo một chính phủ có trách nhiệm.
Ấn Độ có khả năng khuyến khích một chương trình phát triển tích cực tại Xyri hay đóng vai trò bên thứ ba giữa Mỹ và Nga, tạo điều kiện giảm bớt những thái độ cứng nhắc của họ đối với Đamát, đồng thời thuyết phục Tổng thống Xyri Bashar al - Assad tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn với các phiến quân như bước đầu tiên hướng tới hòa bình. Ngoài vai trò chủ động trong các cuộc đàm phán hòa bình, các mục tiêu chính sách đối ngoại của Ấn Độ còn liên quan quan đến việc cộng tác với Xyri để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái định cư người tỵ nạn, giúp cải cách cơ chế quản lý, tăng cường bình đẳng giới và tự do truyền thông.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)