Ngày 20/8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã tỏ ra "kinh hoàng tột độ" trước vụ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley, đồng thời coi đây là hành động "vô cùng tàn ác".
Nhà báo Mỹ mất tích tại Syria gần 2 năm trước, nạn nhân của vụ chặt đầu của IS. |
Theo Ngoại trưởng Hammond, trong đoạn video chiếu cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ, kẻ hành quyết đeo mặt nạ dường như là người Anh vì nói giọng Anh-Anh. Ông Hammond nói: "Chúng tôi sẽ phải phân tích thêm để xác minh rõ hơn. Hiện có một lượng lớn công dân Anh đang ở Syria, cũng như ngày càng tăng ở Iraq. Những người này là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia nếu họ tìm cách quay về Anh với những gì học được từ các tổ chức khủng bố này".
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết vào tháng 9 tới, ông sẽ sắp xếp một hội nghị quốc tế về mối đe dọa của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Iraq gây ra, đồng thời mô tả tình hình quốc tế hiện nay là "nghiêm trọng nhất kể từ năm 2001".
Trong một diễn biến khác, kênh truyền hình nhà nước Iraqiya đưa tin Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngày 20/8 đã tới thủ đô Baghdad, bắt đầu chuyến thăm chính thức Iraq để tiến hành hội đàm với giới lãnh đạo nước chủ nhà. Theo kế hoạch, ông Renzi sẽ hội đàm với giới chức hàng đầu của Iraq để thảo luận về các mối quan hệ song phương cũng như diễn biến về chính trị và an ninh ở Iraq.
Sau đó, Thủ tướng Italy sẽ bay tới thủ phủ Arbil của Khu bán tự trị người Kurd - nơi các chiến binh đang chiến đấu chống lại các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS). Tại đây, ông sẽ gặp gỡ giới lãnh đạo người Kurd để thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho các chiến binh như một nỗ lực của Roma nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến chống IS.
TN (
Theo AFP)