Từ quốc lộ 70, rẽ ngang quốc lộ 4D chừng hơn 50 km là đến với Mường Khương - một trong ba huyện nghèo của tỉnh Lào Cai được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ. Trong suy nghĩ của chúng tôi trước khi đặt chân lên mảnh đất này, Mường Khương hẳn còn đầy gian khó với những ngôi nhà lụp xụp, chênh vênh bên sườn núi, những con đường đất đầy ổ voi, ổ gà, những đứa trẻ thất học vì thiếu trường, thiếu lớp… Nhưng không, Mường Khương nay đã khoác “tấm áo mới” nhờ Chương trình 30a.
Niềm vui chung
Ðón chúng tôi trong căn nhà gạch xây kiên cố rộng khoảng 60 m2, chị Lùng Thị Chích, dân tộc Nùng ở thôn Tùng Lâu, kể câu chuyện của mình, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ, nên chị đã được xét duyệt hỗ trợ nhà theo Quyết định số 167/2008/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chị tâm sự, Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009 có lẽ là một trong những cái Tết đáng nhớ nhất đối với ba mẹ con vì là cái Tết đầu tiên chị và các con được đón giao thừa trong ngôi nhà khang trang, thay cho ngôi nhà cũ xiêu vẹo vắng hơi ấm, vắng bàn tay chăm lo của người chồng, người cha…
Đoàn giám sát của Quốc hội đi kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình 30a tại huyện Mường Khương. |
Cùng chung tâm trạng như chị Chích, anh Lù Ðức Lèng, dân tộc Nùng, hàng xóm sát cạnh nhà, cho biết: "Nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát cảnh "ngăn vách, bịt mái" mỗi khi trời mưa giá rét. Giờ đây có nhà vững chãi rồi, tôi không phải lo chống đỡ khi mưa bão nữa, chỉ phải lo làm để cho các con ăn học mà thôi".
Từ khi triển khai thực hiện Chương trình 30a (năm 2009) đến nay, huyện Mường Khương được đầu tư 231,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Chương trình 30a do Chính phủ cấp là hơn 186,6 tỷ đồng, nguồn vốn ủng hộ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Lào Cai là gần 45 tỷ đồng.
Bí thư Huyện ủy Giàng Mạnh Nhà cho biết: Khó khăn lớn nhất của huyện vùng cao, biên giới này là trình độ dân trí, trình độ sản xuất thấp, lạc hậu. Vì vậy, khi thực hiện Chương trình 30a, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Nhờ nguồn vốn 30a, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong nông nghiệp, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng cây lương thực (lúa Séng Cù, ngô lai hàng hóa,...), vùng cây ăn quả (dưa, chuối) và vùng cây nguyên liệu thuốc lá. Cùng với cây dứa, cây chè, cây thuốc lá được đồng bào các dân tộc nơi đây gọi là cây xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn 30a, Mường Khương đã hỗ trợ cho hơn 2.000 hộ khoanh nuôi và trồng mới 14.000 ha rừng; hỗ trợ chăn nuôi gia súc; hỗ trợ chuyển đổi cây ngắn ngày, trồng cây ăn quả... Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn dần được đổi thay.
Phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ
Những chuyển động từ Mường Khương cũng như tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai nhờ Chương trình 30a đang dệt nên bức tranh đổi mới. Sau 5 năm thực hiện Chương trình 30a, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai đều đạt nhiều thành tựu: Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 13%; kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện với 100% các xã có điện lưới quốc gia, trạm y tế xã, có đường ô tô đến trung tâm xã; 90% thôn, bản có đường liên thôn; hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho 85% diện tích đất ruộng; 80% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng, thành công bước đầu khi thực hiện Nghị quyết 30a tại ba huyện nghèo Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ, ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và xã hội hóa chương trình.
Phó Chủ tịch Doãn Văn Hưởng cho biết thêm: Để giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào, tỉnh sẽ phối hợp với các huyện nghèo tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn để bà con tiếp cận, nắm bắt nhanh các thông tin về lao động, việc làm, xuất khẩu lao động; gắn việc thực hiện Nghị quyết 30a với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, chính sách hỗ trợ 50% lãi suất thương mại cho các hộ phát triển sản xuất, ngành nghề; tăng cường vận động, kêu gọi và tiếp nhận các nguồn ủng hộ theo cam kết của các đơn vị, doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Minh Đức