APEC 2017: SOM 3 và các cuộc họp liên quan thảo luận về thương mại đa phương, kinh tế mạng

Ngày 25/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ tám với các hoạt động của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Ủy ban Kinh tế (EC), Ủy ban Chỉ đạo SOM về Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật (SCE), Nhóm đặc trách về Kinh tế mạng (AHSGIE) và Nhóm Công tác về Y tế (HWG).

Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tiếp tục phiên toàn thể, lắng nghe báo cáo và thảo luận các sáng kiến mà các Nhóm công tác thuộc CTI đang triển khai. Vấn đề ủng hộ hệ thống thương mại đa phương đã thảo luận sôi nổi. Các thành viên đã báo cáo cập nhật tiến độ phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) của WTO, việc thực thi các cam kết về thuế trong Hiệp định về công nghệ thông tin mở rộng.

Đại diện các nền kinh tế họp nhóm tại cuộc họp Ủy ban kinh tế (EC). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Các thành viên cũng đề cập việc thực hiện các cam kết Bô-go và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tham gia các liên kết kinh tế khu vực và hiệp định thương mại tự do; vấn đề nâng cao năng lực cho các thành viên trong tham gia liên kết kinh tế khu vực cũng được đề cập, các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới. Việc tăng cường hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, toàn cầu hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tạo thuận lợi hóa thương mại và kết nối, thúc đẩy phát triển sáng tạo và tăng cường tham gia của khu vực tư nhân cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp.

Ủy ban Kinh tế (EC) đã khai mạc phiên toàn thể vào sáng 25/8. Đây là cuộc họp thứ hai của Ủy ban trong năm 2017. Các đại biểu thảo luận sôi nổi về các dự án được đề xuất và chia sẻ các thực tiễn, kinh nghiệm nhằm thúc đẩy các mục tiêu của EC cũng như hợp tác giữa EC và Nhóm luật và chính sách cạnh tranh, tăng cường sự đóng góp của các Nhóm bạn của Chủ tịch trong các lĩnh vực.

Tại cuộc họp, Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) và Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) đã báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế khu vực. Các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề kinh tế số với vai trò là đòn bẩy chính sách đối với đầu tư và tăng trưởng, việc sử dụng các dữ liệu kinh tế thúc đẩy chính sách cạnh tranh và thị trường hoạt động hiệu quả hơn, cũng như kế hoạch hoạt động về tăng cường cở sở hạ tầng pháp lý và kinh tế nhằm giải quyết tranh chấp trên mạng.

Đại biểu nền kinh tế Mỹ tham dự cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Cuộc họp nhất trí sẽ báo cáo lên các Quan chức cao cấp APEC Khuôn khổ APEC - OECD về đánh giá chính sách cạnh tranh. Khuôn khổ nhằm tăng cường năng lực đánh giá chính sách cạnh tranh của các thành viên APEC, áp dụng các điển hình chính sách cạnh tranh hiệu quả, thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khu vực APEC.

Tại cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế - kỹ thuật (SCE), các đại biểu đã thảo luận tích cực về các chính sách, việc vận hành và quản trị của các diễn đàn thuộc SCE. Ủy ban SCE được thành lập với mục tiêu hỗ trợ thực hiện các hoạt động hợp tác kinh tế - kỹ thuật của APEC, và cung cấp hướng dẫn chính sách để đóng góp cho các mục tiêu hợp tác kinh tế - kỹ thuật của APEC.


Đối thoại chính sách APEC về HPV và ung thư cổ tử cung và Hội thảo nhóm chuyên gia APEC về ung thư cổ tử cung tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu đã thảo luận về mục tiêu giảm số ca nhiễm virus HPV và ung thư cổ tử cung ở các nền kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện chương trình tiêm chủng ngăn ngừa HPV và các kế hoạch thời gian tới. Các đại biểu cũng đã thảo luận về vai trò của vắc-xin ngừa HPV đối với sức khỏe của nữ giới độ tuổi vị thành niên và tác động đối với nền kinh tế khi sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên được nâng cao.

Cũng trong hôm nay, Nhóm đặc trách về kinh tế mạng (AHSGIE) đã thảo luận dự thảo Lộ trình kinh tế mạng và kinh tế số của APEC.

TTXVN/Báo Tin Tức
APEC 2017: Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực
APEC 2017: Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, việc tổ chức cuộc Đối thoại này giúp tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN