Bên lề Hội nghị, một số quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các nền kinh tế thành viên chia sẻ về triển vọng kết nối và hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên.
Ủng hộ chủ đề và những ưu tiên Đánh giá cao kết quả của các hội nghị, cuộc họp nhóm công tác và các ủy ban trước Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017, ông Valery E.Sorokin, Đại sứ lưu động, Trưởng nhóm SOM 1 của nền kinh tế thành viên Nga cho biết, các cuộc thảo luận giữa các nền kinh tế thành viên với nhau trong các cuộc họp vừa qua mang lại kết quả đáng khích lệ. Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương diễn ra vào ngày mai 2/3 sẽ được nghe báo cáo về kết quả của các nhóm làm việc trước đó.
Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp Nhóm bạn của Chủ tịch SOM về kết nối (FOTC). Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Tại Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (ISOM) diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12/2016, nhóm công tác của nền kinh tế thành viên Nga đã nghe báo cáo về những đề xuất đối với chủ đề và các ưu tiên hợp tác của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam cho Năm APEC 2017. Nền kinh tế Nga hoàn toàn ủng hộ chủ đề và những ưu tiên này vì thực sự phù hợp với chương trình nghị sự chính của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng như những vấn đề phát triển thương mại và kinh tế nói chung. Đến thời điểm này, nhóm công tác đại diện nền kinh tế thành viên Nga khá hài lòng với những thành công bước đầu của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng quan điểm, bà Alcinda L Trawen, đại biểu cấp cao Nhóm công tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của nền kinh tế thành viên Papua New Guinea tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017 và các cuộc họp liên quan cho rằng, các cuộc họp nhóm công tác và ủy ban chính sách trước thềm Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp đều rất thành công, đem lại kết quả đáng khích lệ đóng góp tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp. Chủ đề và các ưu tiên do chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2017 đề xuất đều phù hợp với tất cả các nền kinh tế thành viên và phù hợp với tình hình kinh tế của khu vực và thế giới hiện nay.
Cơ chế hợp tác hiệu quảVề triển vọng hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, ông Valery E. Sorokin bày tỏ lạc quan và nhận định: Cho đến nay, cơ chế hợp tác này đã cho thấy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực hơn nhiều tổ chức quốc tế khác. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương không có sự ràng buộc về pháp lý và các quyết định của Diễn đàn này mang tính lựa chọn hơn là ràng buộc. Tuy nhiên, phần lớn các quyết định không mang tính ràng buộc này lại gắn kết các thành viên APEC lại với nhau hơn, khi các nền kinh tế thành viên đều đạt được và thông qua các thỏa thuận cùng có lợi.
Nền kinh tế thành viên Nga mong muốn thúc đẩy công tác chung nhằm hướng tới việc hoàn thành Mục tiêu Bogor 2020. Đồng thời, đại diện nhóm công tác nền kinh tế thành viên Nga tham dự Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc kêu gọi các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cam kết có những bước đi thực tế nhằm đạt được thỏa thuận và hoàn thành Mục tiêu Bogor 2020.
Theo bà Alcinda L Trawen, phần lớn các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đều có chung mong muốn phát triển và hội kinh tế như một trong những ưu tiên do chủ nhà Việt Nam đưa ra. Mong muốn của Papua New Guinea là tiếp tục hợp tác thành công với các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Đánh giá cao vai trò chủ nhà Năm APEC 2017
Đề cao vai trò của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam trong việc đóng góp vào thành công của các cuộc họp ngay trước Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp, ông Valery E. Sorokin cho rằng, Việt Nam chuẩn bị rất tốt cho các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan. 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương với 21 đoàn đại biểu và rất nhiều cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp. Công tác tổ chức, hậu cần, nội dung rất phức tạp trong khi ngân sách hạn hẹp. Tuy vậy, chủ nhà Việt Nam đã tổ chức tốt, hiệu quả, khoa học trong từng cuộc họp nhóm.
Là đại diện cho nền kinh tế thành viên sẽ đăng cai tổ chức Năm APEC 2018, bà Alcinda L Trawen rất ấn tượng với công tác tổ chức của chủ nhà Việt Nam tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017 và các cuộc họp liên quan.
Bà Alcinda cho biết: "Tôi rất hài lòng với cách tổ chức các cuộc họp của chủ nhà Việt Nam, từ việc đón đoàn, hỗ trợ các đại biểu, thông báo lịch trình, nội dung đến đường phố, giao thông, các món ăn đều hết sức ấn tượng, chu đáo, chuyên nghiệp. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và đã có ấn tượng rất tốt. Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp cũng là nơi chúng tôi sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ nền kinh tế chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2017”.