Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương?
Trước tiên, phải khẳng định rằng khu vực châu Á–Thái Bình Dương trong những năm qua đã đóng góp rất quan trọng cho kinh tế và thương mại thế giới. Đặc biệt là kể từ khi thành lập đến nay, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã chứng minh được vai trò đầu tàu của mình. Chúng ta có thể hài lòng rằng 28 năm qua đã chứng kiến sự tăng trưởng có ý nghĩa của các nền kinh tế trong khuôn khố APEC.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
|
Về thương mại, mức thuế trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016. Kết quả thực tế đó là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho nỗ lực của cả khu vực nói chung, cũng như của từng nền kinh tế thành viên nói riêng trong tiến trình thực hiện các hoạt động hợp tác về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đi lại của các doanh nhân và người dân trong khu vực, cũng như chia sẻ sự ổn định, phồn vinh và thịnh vượng chung như mong muốn của các nhà lãnh đạo APEC trong mọi thời kỳ.
Điểm đặc biệt là các nền kinh tế trong khu vực có tốc độ tăng trưởng cao. APEC, với 21 nền kinh tế thành viên, cùng với tổng dân số hơn 2,8 tỷ người, chiếm khoảng 59% GDP của thế giới và 49% giao dịch thương mại quốc tế (tính đến năm 2016). GDP của APEC đã tăng từ 16.000 tỷ USD năm 1989 lên hơn 20.000 tỷ USD trong năm 2016. Thành tích này đã giúp nâng thu nhập của người dân trong khu vực thêm 74% và giúp hàng triệu người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo, đồng thời nâng chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn người dân trong khu vực lên mức trung bình chỉ trong thời gian hơn 2 thập kỷ.
Điều đó cho thấy dòng chảy của toàn cầu hoá và đặc biệt là những biện pháp cụ thể của các nền kinh tế trong việc tiếp tục thực hiện thuận lợi hoá và tự do hoá thương mại đã mang lại thuận lợi và đóng góp rất to lớn, hiệu quả thiết thực cho các nền kinh tế APEC.
Theo dự báo mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố trong tháng 5/2017, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đạt mức 5,5%, cao hơn so với con số 5,3% được đưa ra trước đó.
Do vậy, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, khu vực này vẫn tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu của mình trong bản đồ kinh tế thế giới và sẽ tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới thông qua sức sản xuất, cung cấp dịch vụ và tiêu thụ rất lớn của mình.
Bộ trưởng có thể cho biết sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trong khu vực có ảnh hưởng như thế nào tới quan điểm chỉ đạo, điều hành của mình? Trong dòng chảy của toàn cầu hoá, chúng ta đã chứng kiến ở đâu đó có những xu thế cục bộ tạm thời của chủ nghĩa bảo hộ trên nền tảng của chủ nghĩa dân tuý. Tôi cho rằng những biểu hiện này cho dù là cục bộ thì cũng phản ánh một xu thế tạm thời trong mong muốn của người dân có thể bị tác động cũng như là bị bỏ lại trong một tiến trình chung của toàn cầu hoá và công cuộc hội nhập.
Mỗi nền kinh tế thường áp dụng những chính sách phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư khác nhau trong những giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Hơn nữa, các chính phủ thường đưa ra những quyết sách trong từng giai đoạn sao cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và môi trường chung trong thời điểm đó. Điều đó một lần nữa cho chúng ta thấy còn những mặt trái tồn tại của toàn cầu hoá và những yêu cầu bằng những chính sách đảm bảo được sự hài hoà những lợi ích của các bộ phận dân chúng trong mỗi nền kinh tế để đảm bảo cho việc tham gia của các nền kinh tế trong tiến trình toàn cầu hoá cũng như trong các khuôn khổ hội nhập cần phải được nghiên cứu xây dựng bền vững.
Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC (SFOM). Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Chính vì vậy, tôi cho rằng đây cũng là một bài học chung cho các nền kinh tế khi tham gia vào các khuôn khổ hội nhập cho dù đó là của khu vực hay quốc tế nhưng cần phải có quan điểm nhiều chiều, tiếp cận đầy đủ để đảm bảo rằng tất cả các bộ phận của mỗi nền kinh tế cần phải được xử lý xem xét thấu đáo để đảm bảo yếu tố bền vững trong hội nhập.
Theo Bộ trưởng, vì sao người dân và các nhà hoạch định chính sách ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần tiếp tục ủng hộ việc hội nhập sâu rộng hơn cũng như ủng hộ thương mại tự do? Như tôi đã nói ở trên, việc mỗi thành viên trong khu vực xây dựng và áp dụng những chính sách khác nhau, trong mỗi thời kỳ khác nhau là lựa chọn của họ theo từng giai đoạn phát triển và ý nguyện của nhân dân. Điều quan trọng là chúng ta cần phối hợp một cách hài hòa để xây dựng một hệ thống thương mại chung theo hướng cân bằng, bình đẳng, vì lợi ích của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự phồn thịnh của xã hội.
Điều đặc biệt là chúng ta phải luôn luôn xác định được những hạn chế của toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại để trong tiến trình chung đó của nhân loại, cũng như là hội nhập, phải có cách xử lý thấu đáo và bền vững để đảm bảo hài hoà những lợi ích của mỗi nền kinh tế.
Trên thực tế, Việt Nam cũng có những khu vực kinh tế, có những khu vực mà người dân, doanh nghiệp dễ chịu tác động bất lợi bởi quá trình toàn cầu hoá. Vì vậy, quá trình các nền kinh tế cùng đàm phán, cùng chia sẻ, thống nhất, cam kết khuôn khổ hội nhập cũng chính là quá trình phải tìm hiểu nhu cầu, năng lực cũng như những điều kiện cụ thể để đảm bảo cho hội nhập đó là khả thi, là hiệu quả, là công bằng và minh bạch để đảm bảo lợi ích cho các nền kinh tế.
Chỉ khi chúng ta đạt được những cân bằng trong khuôn khổ hội nhập cũng như các cam kết tham gia trong tiến trình toàn cầu hoá thì sự phát triển của mỗi nền kinh tế mới đảm bảo được yếu tố bền vững, sự công bằng xã hội, sự phát triển phồn vinh.
Bộ trưởng có thể cho biết những nội dung chính trong chương trình nghị sự của MRT23?