APEC thúc đẩy hai lộ trình thương mại khu vực

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa khép lại. Đây không chỉ là cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy tiến trình xây dựng Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) mà còn là dịp Mỹ đẩy mạnh tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kết thúc kỳ họp, “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện FTAAP” được thông qua, trong khi một tầm nhìn sáng sủa hơn trong tiến trình hoàn tất đàm phán TPP cũng đã được mở ra.

Khởi động tiến trình hình thành FTAAP

Hội nghị APEC diễn ra tại Bắc Kinh lần này đã đi theo dấu ấn của lịch sử, biến ý tưởng thành hiện thực, thúc đẩy FTAAP - trọng tâm “thúc đẩy nhất thể hóa khu vực” hiện nay - bước sang giai đoạn xây dựng mang tính thực chất. Trung Quốc là một trong những quốc gia luôn tích cực ủng hộ và tham gia tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, luôn có thái độ cởi mở đối với tất cả những sắp xếp cơ chế có lợi cho thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa khu vực. Trung Quốc hy vọng sẽ tận dụng vai trò Chủ tịch APEC năm nay để đưa ra báo cáo nghiên cứu tính khả thi của FTAAP đã được thảo luận vào năm 2006. Nói cách khác, cuộc đàm phán hướng tới FTAAP sẽ được bắt đầu.

Mỹ và Trung Quốc theo đuổi hai hiệp định thương mại riêng rẽ cho châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo APEC và đại diện Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ý mong muốn các nhà lãnh đạo APEC lần này sẽ đưa ra một cam kết mạnh mẽ hơn đối với ý tưởng thành lập FTAAP. Ông Tập Cận Bình đã phác họa bốn mục tiêu dự kiến đạt được tại hội nghị APEC lần này, trong đó việc khởi động FTAAP chính là mục tiêu đầu tiên, qua đó cho thấy định hướng phát triển hợp tác châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, FTAAP có thể là sự kết hợp các thỏa thuận thương mại tự do hiện có và việc thúc đẩy tiến trình thành lập FTAAP là để củng cố hội nhập khu vực và đạt được các mục tiêu dài hạn.

Để đối trọng với TPP và thể hiện vai trò dẫn đầu trong các hội nghị của APEC, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy việc tạo lập FTAAP và kêu gọi các lãnh đạo APEC ra cam kết thành lập khu vực này vào năm 2025. Quan điểm của Trung Quốc là FTAAP có thể được xem như nền tảng cho các cuộc đàm phán khu vực khác, bao gồm cả TPP, sau đó mới là thời điểm cho FTAAP. Trung Quốc cũng đang xúc tiến việc tiến hành nghiên cứu khả thi cho FTAAP để đánh dấu sự khởi động đàm phán một cách hiệu quả.

Đối với nhiều nước châu Á, FTAAP được coi là một nền tảng căn bản đại diện cho một thỏa hiệp giữa TTP và Mỹ. Châu Á - Thái Bình Dương thực sự cần phải là một khối thống nhất, đại diện cho lợi ích của cả những nền kinh tế đã phát triển cũng như mới nổi dựa trên lợi ích kinh tế chung chứ không phải là những bất đồng chiến lược. Đó là những gì FTAAP có thể mang lại: Một khu vực tự do thương mại hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế quan trọng và tác động tích cực đến các khu vực chiến lược khác trên toàn thế giới - Trung Quốc và Mỹ là một trong số đó.

Sáng sủa triển vọng hoàn tất TPP

Theo các nhà quan sát, tâm điểm của hội nghị lần này cũng là các cuộc đàm phán thương mại tự do liên quan đến TPP hiện có 12 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên khác của APEC kêu gọi các bên cần nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán về TPP “càng sớm càng tốt”. Theo ông Obama, các bộ trưởng và quan chức đại diện tham gia đàm phán TPP cần coi việc hoàn tất tiến trình đàm phán này là một ưu tiên hàng đầu một cách nhanh chóng. TPP sẽ tạo lập một khu vực thương mại tự do chiếm tới gần 40% GDP toàn cầu và được coi là yếu tố kinh tế quan trọng trong chiến lược "trở lại châu Á" mà Mỹ đang thực hiện.

Tuy nhiên, trong tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 10/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và 10 nhà lãnh đạo khác cho biết họ đã có một tầm nhìn sáng sủa hơn trong tiến trình hoàn tất đàm phán ký TPP, hoan nghênh những tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán TPP trong những tháng gần đây, nhưng không ấn định một khung thời gian mới nào cho việc ký kết thỏa thuận này. Các quan chức có thể tiếp tục nhóm họp vào tháng 12/2014 hoặc tháng 1/2015, để thúc đẩy tiến trình đàm phán. Mỹ đã đề xuất 12 nước tham gia TPP cùng nhất trí kết thúc đàm phán vào đầu tháng 2/2015 và các bộ trưởng thương mại và kinh tế các nước tham gia TPP đã nhất trí với đề xuất này, nhưng các nhà lãnh đạo đã không đề cập đến bất kỳ khung thời gian nào trong tuyên bố chung do còn có những hoài nghi của một số quốc gia.

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã thúc đẩy ý tưởng TPP, trong đó đề xuất nới lỏng các quy định hạn chế thương mại. Tuy vậy, các cuộc đàm phán về TPP đã bị đình trệ trước sự phản đối của một số thành viên với lo ngại những tác động bất lợi khi mở cửa thị trường trong nước, trong đó có Nhật Bản. Trở ngại cho đàm phán TPP hiện nay là những bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản về việc tiếp cận thị trường nông nghiệp và ô tô. Bên cạnh đó, quá trình thiết lập các quy định thương mại thống nhất giữa 12 quốc gia trong các lĩnh vực như quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và bảo vệ môi trường cũng sẽ là chủ đề khó khăn.

TPP bắt nguồn từ một thỏa thuận thương mại tự do năm 2005 giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Từ năm 2010, Mỹ đã thúc đẩy các hoạt động liên quan để đi đến những cuộc đàm phán nhằm mục đích mở rộng FTA - một trong những mối quan tâm chính của nước này trong khu vực. Theo đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk, mục đích của TPP là trở thành một "tiêu chuẩn cao, hiệp ước khu vực trên diện rộng" nhằm vào các vấn đề thương mại mới trong thế kỷ 21".

Lê Minh
Trung Quốc họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao APEC
Trung Quốc họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao APEC

Chiều 11/11, ngay sau khi bế mạc Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc họp báo với các phóng viên Trung Quốc và nước ngoài về kết quả hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN