Một loạt Hội nghị liên quan gồm các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các Đối tác đối thoại (PMC), giữa ASEAN với 3 nước Đông Bắc Á lần thứ 16 (APT 16), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS FMM 5) và ARF 22. Đây là các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, đồng thời là Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao cuối cùng trước khi ASEAN hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015. Các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; trao đổi vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt là hòa bình và an ninh khu vực.
Biển Đông hâm nóng nghị sự
Dù không có trong chương trình nghị sự chính thức nhưng tình hình Biển Đông đã là một trong những nội dung thảo luận chính tại AMM 48, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Từ lâu, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông - tuyến đường biển huyết mạch - đã trở thành một trong những vấn đề cấp thiết đối với toàn khu vực, bởi đảm bảo hòa bình ổn định chính là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông, thậm chí có các động thái quân sự hóa các đảo nhân tạo này. Các hoạt động ngang nhiên và quy mô lớn của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực và dư luận thế giới phản đối, kêu gọi chấm dứt. Tại Đối thoại Shangri-la 14 diễn ra ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chỉ trích hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau đó một tháng, tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 7 ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc mở rộng xây dựng các căn cứ ở vùng biển đang có tranh chấp với các nước láng giềng, trong khi Phó Tổng thống Joe Biden cảnh báo Bắc Kinh rằng giao thông hàng hải “phải được mở và được bảo vệ” để hàng hóa lưu thông.
Tại Hội nghị AMM 48 diễn ra chiều 4/8, ASEAN đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, cho rằng những hành động này đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí tăng cường tự kiềm chế trong việc tiến hành các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Các Bộ trưởng nêu bật sự cần thiết tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Malaysia Razak nhấn mạnh ASEAN cần nói tiếng nói thống nhất và giữ vai trò trung tâm trong giải quyết các thách thức gai góc của khu vực như tranh chấp chủ quyền, kể cả giải quyết các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn.
Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông; đề nghị ASEAN cần phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo của hiệp hội, thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc chung đã được nhất trí, nhất là các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là Điều 5 và đi vào thảo luận thực chất để sớm đạt được COC có hiệu quả.
Diễn đàn ARF 22 ngày 6/8, cũng sẽ là cơ hội để ASEAN và các nước khác bày tỏ lo ngại trực tiếp với Trung Quốc. Dự thảo Tuyên bố Chủ tịch ARF dù không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng “bày tỏ lo ngại về hoạt động lấn biển và các dự án xây dựng” trên Biển Đông. Dự thảo Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp theo hướng xây dựng và kiềm chế hành động đơn phương gây bất ổn trong khu vực.
Không thể phủ nhận rằng trước thềm AMM 48, ASEAN và Trung Quốc đã đạt một số kết quả nhất định trong cuộc thảo luận về việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và tiến tới sớm ký kết COC. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm hơn nhiều so với những diễn biến phức tạp thực tế ở Biển Đông. Vì khác biệt còn lớn trong quá trình đàm phán, thảo luận giữa các bên chưa đạt tiến bộ như mong muốn. Thực tế này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các bên, đặc biệt là Trung Quốc với các hành động sai trái tại đây.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhận định ASEAN đã đạt nhiều thành tựu và đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Ông cho rằng Hiệp hội cần đoàn kết hơn nữa và đóng một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế, đồng thời nhấn mạnh năm 2015 sẽ cho chúng ta một “phép thử” khác khi chúng ta thành một cộng đồng chung.
Dấu mốc trưởng thành
Theo kế hoạch, ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN gồm 10 nước thành viên sẽ được hình thành. Đây là bước phát triển to lớn hướng tới một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN là cơ hội để biến hiệp hội 10 quốc gia này trở thành một khu vực mới ngày càng phát triển, cho phép ASEAN thực hiện giấc mơ thịnh vượng và tự do để đối phó với các mối đe dọa và thách thức hiện nay. Tại Hội nghị AMM 48, các Bộ trưởng nhấn mạnh việc coi người dân ASEAN là chìa khóa phát triển của ASEAN, trong đó hướng tới các giá trị nhân văn của mọi tầng lớp xã hội. Thông điệp đó đã xuyên suốt trong năm nay và sẽ trở thành giá trị của Cộng đồng ASEAN, có ảnh hưởng đến từng quốc gia, từng doanh nghiệp và từng người dân.
Tính đến thời điểm này, 93% lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được triển khai. ASEAN cũng đang tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển cao hơn, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch hành động trên cả ba trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Dự kiến, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng Kế hoạch tổng thể mới cho ba trụ cột sẽ được lãnh đạo ASEAN thông qua vào cuối năm nay, theo hướng củng cố Cộng đồng ASEAN thành một cộng đồng thực sự hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Nội dung chủ đạo này sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, theo đó người dân sẽ được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và hòa hợp, được tạo điều kiện phát triển bền vững và thịnh vượng trong một không gian kinh tế mở, có khả năng cạnh tranh cao, được tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi xã hội toàn diện, với các giá trị và bản sắc văn hóa đặc sắc được gìn giữ và tôn trọng. Bên cạnh đó, giữ vững hòa bình, ổn định và an ninh khu vực tiếp tục là một ưu tiên quan trọng trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. ASEAN tiếp tục đề ra các biện pháp tăng cường đoàn kết, thống nhất và nêu cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực, tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.