Các thành viên Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) đã tham gia với vai trò chủ trì các phiên thảo luận chính của 5 lĩnh vực chiến lược gồm: Cơ sở hạ tầng bền vững; sáng tạo số; chuỗi cung ứng không gián đoạn; tối ưu quản lý và sự di chuyển của con người.
Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN. |
Việt Nam và Myanmar đồng chủ trì phiên thảo luận lĩnh vực chiến lược về sự di chuyển của con người. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại ASEAN, đại diện của Việt Nam tại ACCC, làm trưởng Đoàn. Cùng tham dự các hoạt động trên còn có đại diện các bộ, ngành và cũng là các cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam trong triển khai các lĩnh vực kết nối, gồm Bộ Kế hoạch-Đầu tư (cơ quan điều phối quốc gia về Kết nối), Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Bộ Ngoại giao.
Đây là hoạt động đầu tiên được triển khai kể từ khi MPAC 2025 được các lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 9/2016. Diễn đàn có sự tham dự của gần 150 đại biểu gồm thành viên ACCC, cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan đầu mối quốc gia (cơ chế được thành lập trên cơ sở MPAC 2025), Chủ tịch 8 cơ quan ASEAN được giao triển khai sáng kiến (SEOM, ACCMSME, WC-FINC, TELSOM, ACCSQ, NTOs, DGICM và SOMED), cùng các tổ chức doanh nghiệp và các đối tác của ASEAN. Bên cạnh các nội dung thảo luận tại hội thảo, đây là dịp để các cơ quan điều phối, đầu mối quốc gia các nước ASEAN lần đầu gặp và trao đổi trực tiếp về cách thức triển khai trong lĩnh vực kết nối, trong đó có việc hình thành mạng lưới phối hợp triển khai MPAC 2025 trong thời gian tới.
Tại diễn đàn lần này, các sáng kiến được chia thành các phiên thảo luận riêng để các chuyên gia, đại diện Bộ ngành và các đối tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đưa ra các ý tưởng và biện pháp mới làm cơ sở để sau này đề xuất và xây dựng các dự án MPAC 2025 thiết thực, hiệu quả. Những kinh nghiệm và bài học từ tỷ lệ triển khai MPAC 2010 thấp (,6%) đã được diễn đàn lần này tập trung thảo luận như đề cao phối hợp liên ngành và cần sự tham gia đồng bộ, tích cực của tất cả các bên liên quan, xác định cơ quan chủ trì triển khai và kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các đối tác và quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp.
Các phiên thảo luận sáng kiến được trao đổi thẳng thắn và thiết thực, trong đó về cơ sở hạ tầng bền vững có các sáng kiến về xây dựng danh sách các các dự án ưu tiên để huy động vốn hay chiến lược đô thị hoá bền vững cho các thành phố ASEAN.
Về sáng tạo số có sáng kiến thành lập hệ thống dữ liệu mở trong ASEAN, mở rộng cơ sở công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cơ chế quản lý dữ liệu. Về chuỗi cung ứng không gián đoạn có các sáng kiến nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN và các biện pháp mở rộng chuỗi cung ứng. Về tối ưu quản lý có các sáng kiến nhằm tiêu chuẩn hóa ba nhóm sản phẩm chính và các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu các biện pháp cản trở thương mại phi thuế quan; về sự di chuyển của con người có các biện pháp đơn giản hoá thủ tục thị thực vào ASEAN, xây dựng cổng thông tin du lịch chung cho ASEAN, xây dựng chứng chỉ dạy nghề chung trong ASEAN và khuyến khích trao đổi sinh viên trong ASEAN.
Tại các phiên thảo luận, đoàn Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng ý tưởng cho các sáng kiến triển khai MPAC 2025 trên các lĩnh vực có lợi ích.
Bên lề diễn đàn MPAC 2025, ngày 14/7 đã diễn ra Hội thảo lần thứ 8 về Kết nối với sự tham dự đông đảo của các đại diện dự Diễn đàn MPAC 2025, các tổ chức và thể chế tài chính khu vực và quốc tế, các tổ chức hợp tác tiểu vùng, các học giả, doanh nghiệp. Hội thảo nhằm thông tin về kết quả thảo luận của diễn đàn MPAC 2025 và trao đổi quan điểm, ý tưởng hợp tác, phối hợp triển khai hiệu quả MPAC 2025 trong thời gian tới.