Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các lãnh đạo tài chính các nước trên nhất trí thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều, cân bằng và bền vững thông qua triển khai tất cả các công cụ chính sách cần thiết bao gồm chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hay cải cách cơ cấu, theo hướng cả triển khai riêng rẽ hoặc phối hợp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (thứ ba, trái, hàng hai) chụp ảnh chung với các quan chức dự hội nghị. Ảnh: EPA/TTXVN |
Các đại diện tài chính nhất trí rằng nền kinh tế khu vực, mặc dù đang tăng trưởng nhanh chóng, vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ các nhân tố như chủ nghĩa bảo hộ, các chính sách theo chủ nghĩa dân tộc và các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Các quan chức cũng tái khẳng định sự hỗ trợ đối với các hệ thống đầu tư và thương mại đa phương "mở cửa" và dựa trên nguyên tắc pháp luật, đồng thời nhất trí tăng cường giám sát dòng vốn và quan tâm giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn trong khu vực.
Các bên cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy vai trò của Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) như một phần của mạng lưới bảo vệ tài chính khu vực và hoan nghênh những thành quả đạt được trong giai đoạn đầu triển khai thử nghiệm CMIM với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
CMIM, có hiệu lực từ năm 2010, được thiết lập để giải quyết các khó khăn về cán cân thanh toán và tính thanh khoản ngắn hạn tại khu vực trong thời điểm xảy ra khủng hoảng.
Năm 2017 đánh dấu 20 năm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đẩy đồng baht (Thái Lan) cùng nhiều đồng tiền khác mất giá và làm chao đảo nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Nhân dịp này, các nước ASEAN+3 đang đẩy mạnh các nỗ lực chung để đảm bảo các quốc gia thành viên được chuẩn bị sẵn sàng cho các mối đe dọa tương tự trong tương lai.