Ba trong số những gương mặt sáng giá của Wushu Việt Nam vào thời điểm này là nhà vô địch thế giới Nguyễn Thanh Tùng ở nội dung toàn năng Thái cực và hai nhà vô địch châu Á, trẻ thế giới Nguyễn Mạnh Quyền và Dương Thúy Vi. Họ đều là những tài năng kế cận xứng đáng của những gương mặt vàng như Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Thị Mỹ Đức hay gần đây là Nguyễn Mai Phương, Vũ Trà My.
Thanh Tùng đa tài
Xuất thân trong gia đình không theo nghiệp võ, Nguyễn Thanh Tùng theo môn Wushu, ban đầu chỉ để rèn luyện sức khỏe, do anh bị hen suyễn từ nhỏ. Năm 11 tuổi, Thanh Tùng bắt đầu đi tập tại đội Wushu Hà Nội theo lời khuyên của HLV Nguyễn Phương Lan. Học Wushu không dễ, bởi các động tác cần có độ dẻo, khả năng giữ thăng bằng tốt và phải tập ép dẻo y như một vận động viên thể dục dụng cụ. Bởi thế, lúc đầu gia đình Thanh Tùng rất lo lắng. Đâu ngờ, sau 4 năm, Thanh Tùng không chỉ có một thể trạng tốt, mà còn không thể dứt ra được môn võ này.
Năm 2005, lần đầu tiên võ sỹ người Hà Nội được tham dự giải Wushu trẻ thế giới tại Malaysia. Vừa vui, vừa run vì giáp mặt nhiều đối thủ mạnh khắp thế giới, nhưng khi vào cuộc, Tùng thi đấu rất tự tin và đoạt luôn tấm HCV năm ấy.
Sau hơn 10 năm theo Wushu, bảng thành tích của Thanh Tùng vô cùng đồ sộ với đủ các màu huy chương ở giải trẻ thế giới, HCV giải châu Á và trẻ châu Á. Tại Asiad 16 năm 2010, với bài biểu diễn tuyệt vời, Thanh Tùng chỉ chịu thua VĐV chủ nhà Trung Quốc và đoạt HCB. Sau đó, Thanh Tùng lại vô địch Thái cực quyền ở giải võ thuật truyền thống thế giới 2011 và HCV vô địch thế giới 2011. Gần đây nhất, tại World Games 2013, võ sỹ này một lần nữa lấn lướt các đối thủ bằng bài diễn lôi cuốn, độ khó cao và không mắc sai sót kỹ thuật nào, để đăng quang ngôi vô địch nội dung Thái cực quyền.
Đây là thành quả ngọt ngào của Thanh Tùng sau những năm tháng khổ luyện. Hy vọng, ở SEA Games 27, anh sẽ tiếp tục thi đấu xuất sắc ở cả hai nội dung Thái cực quyền và Thái cực, để có thể giành HCV toàn năng.
Không chỉ thành công với Wushu, Thanh Tùng còn là một “hot boy” đa tài. Cách đây 1 năm, Thanh Tùng đã có mặt tại vòng chung kết Vietnam Idol và vào đến tốp 6 cuộc thi.
Chuyên gia “giải hạn” Mạnh Quyền
Nguyễn Mạnh Quyền sinh năm 1991, quê ở Thạch Thất, Hà Nội. Cũng giống như Thanh Tùng, Mạnh Quyền đã gắn bó với Wushu được khoảng 10 năm. Thời gian đầu, Mạnh Quyền cũng theo tập nội dung Thái cực quyền, sau đó chuyển qua tập luyện và thi đấu Trường quyền. Võ sỹ này đã có tới vài chục tấm huy chương các loại ở các giải đấu trong nước và quốc tế về Kiếm thuật, Thương thuật, Trường quyền. Nổi bật là tấm HCĐ Asiad 2010 và tấm HCB Toàn năng Đao thuật, Côn thuật tại World Games 2013.
Một bài côn thuật của Mạnh Quyền. |
Trong số các võ sỹ Taolu (biểu diễn), Mạnh Quyền rất có duyên “giải hạn” huy chương cho đội Wushu Việt Nam. Ở giải vô địch Wushu châu Á 2012 tại TP Hồ Chí Minh, dù có lợi thế sân nhà và được đánh giá là một trong những đoàn mạnh, nhưng phải bước sang ngày thi đấu thứ ba, nhờ sự xuất sắc của Mạnh Quyền, đội tuyển Wushu Việt Nam mới giành được HCV đầu tiên. Điều đáng nói, để có tấm HCV này, Mạnh Quyền đã phải “chiến đấu” và vượt qua 19 đối thủ, trong đó có cả các ứng viên sáng giá đến từ Trung Quốc, nơi sản sinh ra Wushu.
Hai năm trước, lần đầu tiên được góp mặt ở đấu trường Asiad, tại Quảng Châu (Trung Quốc), cũng chính Mạnh Quyền đã khiến cả đoàn TTVN hồi hộp đến thót cả tim, khi trở thành VĐV đầu tiên mở hàng huy chương cho Wushu Việt Nam, với tấm HCĐ Toàn năng.
Tại SEA Games 27, Mạnh Quyền được kỳ vọng sẽ giành huy chương ở nội dung Trường quyền, Đao thuật, Côn thuật.
Thúy Vi tiến bộ từng ngày
Kém Mạnh Quyền 2 tuổi và là lứa “đàn em” của các gương mặt vàng một thời như Trà My, Mai Phương… Thúy Vi hiện được các HLV trông đợi rất nhiều tại SEA Games 27.
Thúy Vi đang hy vọng đổi màu huy chương SEA Games. |
Vào thời điểm này, Thúy Vi cũng có thể tự hào về bản thân, khi cô sở hữu một bảng thành tích đáng nể: HCV giải trẻ thế giới, HCV giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, HCV liên hoan võ thuật truyền thống thế giới…
Hai năm trước, Thúy Vi vinh dự có lần thứ hai tham dự đấu trường SEA Games. Khi ấy cô tròn 18 tuổi và giành HCĐ. Đây không phải là một thành tích quá ấn tượng, nhưng cũng là một bước tiến bộ rõ rệt của Thúy Vi so với hồi SEA Games 25 - thời điểm cô còn quá non nớt về kinh nghiệm và trẻ về tuổi nghề, nên trở về tay trắng.
Với những chuyến tập huấn nước ngoài và sự bổ sung của những thành tích mới, mà đỉnh cao là tấm HCB World Games 2013, Thúy Vi hy vọng SEA Games 27 sắp tới sẽ đánh dấu một bước tiến mới của cô, dù biết rằng còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi.
Theo kế hoạch, trước khi tới Myanmar dự SEA Games 27, Thúy Vi cùng với Thanh Tùng, Mạnh Quyền và một vài gương mặt xuất sắc khác của Wushu Việt Nam sẽ lên đường tới Malaysia dự giải vô địch thế giới vào cuối tháng 10 này. Đây sẽ là một bước khởi động quan trọng để bộ ba này thực hiện được ước mơ của mình. |
Tố Mai