Bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện

Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013 - 2020 nhằm xây dựng và phát triển mô hình này trong hệ thống y tế cả nước, góp phần giảm quá tải bệnh viện.


TS Trần Qúy Tường (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã trao đổi với Báo Tin tức về các giải pháp triển khai hiệu quả Đề án mới mẻ này.

 

´Manh nha ở Việt Nam từ năm 1998, nhưng vì sao đến nay mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thưa ông?


BSGĐ là các bác sĩ đa khoa, chủ yếu thực hành tại phòng khám ngoại trú ở các tuyến y tế cơ sở. BSGĐ là người gần dân nhất, có thể giải quyết được các vấn đề sức khỏe thường gặp ở cộng đồng. Do đó, việc phát triển mô hình phòng khám BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu, từ đó giúp giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.


Năm 1998, Bộ Y tế đã phê duyệt và triển khai Dự án phát triển đào tạo BSGĐ với sự tài trợ của một tổ chức quốc tế. Theo đó, các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và Đại học Y Thái Nguyên đã triển khai đào tạo chuyên ngành Y học gia đình.

Tháng 3/2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép các trường ĐH y đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hiện tại, chúng ta có khoảng hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I và 70 bác sĩ định hướng Y học gia đình.


Đến nay, mô hình BSGĐ bước đầu được triển khai ở một số thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Nổi bật nhất là tại Khánh Hòa, các trạm y tế có BSGĐ hoạt động đã thực hiện quy chế chuyển tuyến phù hợp, có phản hồi thông tin, bệnh nhân được theo dõi và điều trị liên tục, toàn diện...


Tuy vậy, mô hình BSGĐ ở nước ta cho đến nay vẫn được coi là mô hình mới, chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, chưa có chức danh BSGĐ ở các cơ sở y tế và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép; các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao; những bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích gia tăng. Tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương diễn ra khá gay gắt.


Thực tế triển khai mô hình BSGĐ tại nhiều nước trên thế giới cho thấy việc phát triển mô hình BSGĐ chính là một hướng hiệu quả nhất để “gỡ” bài toán khó nêu trên. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, phòng khám BSGĐ có thể giúp sàng lọc giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường mà không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (khoảng 80%), góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ nỗ lực triển khai “Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013 - 2020”.

 

´Có một thực tế là khi bị bệnh, người dân thường đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương để khám chứ không muốn tới khám tại trạm y tế. Vậy đâu là giải pháp “kéo” bệnh nhân tới các phòng khám BSGĐ trong thời gian tới, thưa ông?


Xác định con người là yếu tố then chốt của mọi vấn đề nên Bộ Y tế sẽ chú trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nguồn nhân lực y học gia đình nói riêng.


Để triển khai hiệu quả Đề án BSGĐ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục củng cố, phát triển các đơn vị đào tạo y học gia đình đã có, đồng thời sẽ thành lập mới các đơn vị đào tạo chuyên ngành này. Đội ngũ giảng viên chuyên ngành Y học gia đình cũng sẽ được bổ sung và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, đưa vào chương trình đào tạo chính khóa cho sinh viên y khoa. Đặc biệt, Bộ sẽ bổ sung mã ngành đào tạo chuyên khoa II và tiến sĩ chuyên ngành y học gia đình; đề xuất chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực cho chuyên ngành y này.

 

´Mô hình BSGĐ sẽ được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?


Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2013 - 2015, sẽ thí điểm thành lập tối thiểu 80 phòng khám BSGĐ tại Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ và Tiền Giang, nhằm tiến tới đánh giá và hoàn thiện mô hình phòng khám BSGĐ chuẩn. Giai đoạn 2 là từ năm 2015 - 2020, sẽ triển khai nhân rộng mô hình phòng khám BSGĐ trên toàn quốc.


Theo Đề án có 3 mô hình tổ chức BSGĐ sẽ được thí điểm nhân rộng trong giai đoạn 1 gồm: Phòng khám BSGĐ tư nhân; phòng khám BSGĐ phối hợp, lồng ghép chức năng tại trạm y tế xã và phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của các BV.

Xin cảm ơn ông!


Liên - Hảo (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN