Là huyện đảo nằm cách xa đất liền, Côn Đảo có địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, do đó các nhu yếu phẩm và lương thực thực phẩm, trong đó có rau xanh hầu hết được chuyển từ đất liền ra đảo phục vụ đời sống người dân. Khi vào mùa mưa bão thường xảy ra tình trạng khan hiếm rau xanh do việc chuyên chở hàng hóa từ đất liền ra đảo gặp nhiều khó khăn.
Nhận thấy thị trường tiềm năng, gia đình anh Trần Văn Hoa, ở Khu dân cư số 2, Côn Đảo đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng các loại rau xanh cung ứng cho thị trường. Anh Trần Văn Hoa chia sẻ: "Trong quá trình sản xuất, ngoài các ban ngành đoàn thể của địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi sản xuất, mặt khác các cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội luôn theo sát chúng tôi để động viên, hỗ trợ vốn, khuyến khích gia đình tôi mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, gia đình chúng tôi đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định hàng tháng”.
Nhiều người dân sống trên huyện đảo hiện nay cũng đã được vay vốn để phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC), trồng cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt bên cạnh nghề truyền thống là đi biển.
Gia đình ông Đoàn Văn Dinh, ở khu 2, Côn Đảo vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, đầu tư cải tạo mở rộng diện tích trồng rau xanh, chăn nuôi bò, kinh tế gia đình từng bước ổn định. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Khu dân cư số 3, huyện Côn Đảo, cho biết: Ngay khi thực hiện mô hình VAC, gia đình gặp rất nhiều khó khăn nhất là về mặt kỹ thuật, tiếp đến là vốn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình ông về mặt khuyến nông, khuyến ngư và khoa học kỹ thuật, ông còn được sự hỗ trợ hết sức tích cực về vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Côn Đảo.
“Sau một thời gian thử nghiệm, tôi thấy mô hình VAC này hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Côn Đảo, đồng thời với mô hình này gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể hàng tháng. Hiện tại Côn Đảo chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ vì thế nguồn cung cấp lương thực dài hạn trong kinh doanh là rất quan trọng. Trong thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng mô hình VAC cho những hộ nông dân xung quanh nhằm đảm bảo phần nào nhu yếu phẩm phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Tuấn cho biết.
Với mục tiêu rút ngắn khoảng cách phát triển, hỗ trợ người dân và các mô hình kinh tế, trong 3 năm qua, 60 tỷ đồng vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Côn Đảo đã đến với tất cả các khu dân cư. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng giao dịch đã hỗ trợ cho vay vốn gần 700 trường hợp thuộc diện chính sách, học sinh - sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… với tổng dư nợ cho vay gần 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng đóng góp tích cực vào ổn định an sinh xã hội tại huyện đảo.
Chị Lê Thị Hương, chủ cửa hàng Quà tặng Côn Đảo, Khu dân cư số 8, huyện Côn Đảo (hộ vay vốn giải quyết việc làm) chia sẻ, chị đã bán đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch tại huyện Côn Đảo đã hơn mười năm rồi. Gần đây lượng khách du lịch đến Côn Đảo mỗi năm một nhiều. Tuy nhiên, tại huyện Côn Đảo, ngoài khu chợ Côn Đảo ra thì cũng không có cửa hàng nào bán những mặt hàng lưu niệm có quy mô để phục vụ khách du lịch.
Với ý nghĩ đó, chị Hương đã đầu tư mở cửa hàng bán quà lưu niệm. Chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Côn Đảo để mở rộng cửa hàng và bổ sung thêm nhiều mặt hàng phong phú hơn phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Hiện kinh tế của gia đình chị ổn định và cửa hàng còn tạo việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương.
Ông Võ Đức Tiên, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Côn Đảo cho hay, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Côn Đảo đã hỗ trợ cho gần 3.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại địa phương, giúp cho hơn 1.000 lao động có việc làm ổn định. Chất lượng tín dụng tại địa phương rất tốt, không có nợ quá hạn, nợ xấu. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của các hộ dân trên địa bàn huyện là 85 triệu/năm, giúp huyện thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết thêm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực sự chung tay, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể cùng thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương. Theo định hướng phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, Côn Đảo khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển thành đặc khu kinh tế. Do đó, sự đầu tư cho các nguồn lực, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân sẽ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tiến trình này, đồng thời tạo tiền đề thu hút hút thêm các nguồn lực đầu tư cho huyện đảo.