Bản Lầu chọn hướng đi cho nông nghiệp

Bản Lầu, xã giáp biên của huyện Mường Khương (Lào Cai), là 1 trong 4 xã được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện. Những năm qua, nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh cây chuối và dứa, mà 1.400 hộ đồng bào Mông, Nùng, Dáy trong xã không những đã xóa được cái đói, cái nghèo mà còn đang từng bước làm giàu.


 

Dứa trồng tại xã Bản Lầu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Năm 2006, nắm bắt được thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ chuối lớn, đồng bào các dân tộc ở các thôn trong xã Bản Lầu đã tập trung trồng cây chuối. Hiện nay, cây chuối đã nhanh chóng khẳng định được ưu thế, trở thành một loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Vùng chuối xuất khẩu của Mường Khương có diện tích trên 270 ha, tập trung ở Bản Lầu khoảng 150 ha, bắt đầu lan rộng ra các xã khác như: Nậm Chảy, Lùng Vai… Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chuối lớn nhanh, quả mập, buồng to mẩy, năng suất khoảng 20 tấn/ha. Mỗi năm, người dân Bản Lầu thu nhập từ chuối 15 tỷ đồng, bằng 1/2 giá trị sản lượng chuối cả huyện.


Ông Thào A Minh, thôn Cốc Phương kể: Từ năm 2006, gia đình ông trồng thử 2.000 cây chuối. Sau 6 tháng, chuối đã cho thu hoạch, trừ mọi chi phí gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Trồng chuối không cần nhiều kỹ thuật cao, không tốn nhiều công chăm sóc. Cây chuối không kén chọn đất. Chi phí đầu tư cho 1 ha là 50 triệu đồng, riêng lượng phân bón cho 1 ha khoảng 2,5-3 tấn. Tính ra, mỗi buồng chuối cho thu nhập khoảng 80.000 - 90.000 đồng, cao gấp 5 lần so với trồng ngô và lúa.


Cùng với cây chuối, việc trồng cây dứa hàng hóa thực sự là bài toán xóa nghèo cho bà con trong xã, đem lại nguồn thu hàng năm của toàn xã lên tới 30 - 40 tỷ đồng/năm. Từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, nhân dân trong xã bắt đầu đưa cây dứa vào trồng xen canh những cây nông nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, do chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đường giao thông vào xã còn khó khăn, nên việc trồng cây dứa chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2003, tuyến đường giao thông đến Bản Lầu nối với các thôn trong xã được nâng cấp xây dựng và mở rộng thành đường nhựa liên xã. Khi ấy, xe tải đến được vùng sản xuất chuyên canh người dân trồng để thu mua, thì cây dứa mới có cơ hội phát triển rầm rộ. Đến nay, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nên việc trồng dứa đã trở thành vùng chuyên canh, cho thu nhập kinh tế cao. Nhiều người đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, trở thành triệu phú từ dứa như các ông Thào A Minh, Thào A Thắng, Thào A Dìn... là người dân tộc Mông ở thôn Cốc Phương, nhờ trồng chuối, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng.


Tính đến nay, toàn xã có trên 750 ha trồng cây dứa (trong đó 700 ha đã cho thu hoạch), với gần 600 hộ dân trồng, chủ yếu tập trung tại hai thôn Na Lốc, Cốc Phương. Vụ dứa, chuối vừa qua đồng bào các dân tộc xã Bản Lầu đã thu hoạch được khoảng 17.000 tấn (năm 2011 là 15.000 tấn), đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Ông Thào A Diu, người nông dân trồng dứa lâu năm tại thôn Cốc Phương tâm sự: “Giá dứa bán lẻ của các hộ năm nay từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá bán xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch có giảm so với các năm khác, nhưng 1 ha dứa năng suất trung bình đạt từ 27 - 30 tấn (năm 2011 chỉ có 20 - 22 tấn), thì người dân vẫn đạt trên 50 triệu đồng/ha, gấp mấy lần trồng lúa nương”.


Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Duy Phiên, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu, phấn khởi cho biết: Từ khi xã được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng chuyên canh trồng cây dứa và chuối. Nhất là từ khi Đảng bộ huyện Mường Khương có Nghị quyết số 03-NQ/HU/2006 về việc đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng nông thôn mới. Nông dân trong xã đã được tiếp cận với kinh tế xã hội trong sản xuất nông nghiệp.

 

Nhất là trong việc trồng cây dứa, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, cách chăm sóc của bà con đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nên sản lượng dứa đến mùa thu hoạch năm sau thường cao hơn năm trước. Các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở xã Bản Lầu đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã nói riêng và huyện Mường Khương nói chung. Nông dân các dân tộc trong xã không chỉ thoát nghèo mà tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đặc biệt, đến nay trên địa bàn xã chỉ còn chưa tới 100 hộ nghèo. Việc trồng dứa, chuối đang trở thành hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây thực sự là một mô hình xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương, là động lực to lớn để đồng bào các dân tộc trong xã xây dựng nông thôn mới.


Bài và ảnh: Minh Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN