Đến bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà (Điện Biên) trong những ngày giáp Tết, ngắm nhìn hoa đào bung nở trên khắp núi đồi và bản làng, chúng tôi cảm nhận được mùa xuân đang về với tràn đầy sức sống.
Con đường từ trung tâm xã Sa Lông đến bản Chiêu Ly dài chưa đến 5 km nhưng lại đầy gập ghềnh, trắc trở, với nhiều dốc đứng, đá lổm nhổm như muốn thử thách người đi đường. Thế nhưng cũng chính con đường ấy lại khiến chúng tôi không khỏi xuýt xoa, mê mẩn vì những cảnh sắc mà không nhiều nơi ở Điện Biên có được.
Suốt dọc chiều dài con đường, trên khắp các sườn đồi, những cây hoa Tớ Dày bung nở nhuộm một màu hồng rực rỡ. Tớ Dày ẩn hiện giữa những cánh rừng, bên vệ đường hay thấp thoáng sau những mái nhà tạo nên khung cảnh mùa xuân đầy thơ mộng, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Sau đoạn đường đất đá lổm nhổm, đặt chân đến con đường bê tông được xây dựng kiên cố là đến trung tâm bản.
Bản Chiêu Ly như một cao nguyên đá thu nhỏ, ở đâu cũng thấy đá; cuộc sống người dân nơi đây gắn liền với đá, những vườn rau xanh được trồng xen lẫn bên đá. Đá được người dân sử dụng để xếp thành hàng rào, lối đi… Đặc biệt, Chiêu Ly được biết đến như là xứ sở của đào mốc, đào phai với rất nhiều những cây đào cổ thụ mọc xen lẫn giữa những tảng đá tai mèo, nhiều cây đã bắt đầu bung nở.
Những ngày xuân cận kề, bản làng như khoác lên mình bộ cánh mới đầy sức sống. Nhịp sống bình dị của người dân nơi đây cũng dường như trở nên hối hả, rộn ràng hơn. Lũ trẻ chạy tung tăng đến trường trong niềm hân hoan, phấn khởi vì sắp được đón Tết; chị em đang tất bật hoàn tất những đường thêu cuối cùng cho bộ váy, áo mới để mặc trong những ngày Tết Nguyên đán.
Trước mỗi hiên nhà, hầu hết phụ nữ trong gia đình ngồi chụm lại, người khâu, người thêu để cho ra những chiếc áo, chiếc váy thổ cẩm với những họa tiết đặc sắc, tinh xảo mang nét đặc trưng cho văn hóa của người Mông Hoa ở Sa Lông. Phụ nữ Mông ở đây hầu như không mặc trang phục được mua mà họ đều tự may trang phục cho mình và để hoàn thiện một chiếc váy Mông, một người phải mất thời gian gần 3 tháng.
Đang cùng với con gái và con dâu mải mê may váy áo mặc Tết, bà Mùa Thị Đớ chia sẻ: Phụ nữ dân tộc Mông ở Chiêu Ly thường tranh thủ những lúc nông nhàn để may trang phục cho mình, từ váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp. Đặc biệt khoảng thời gian khi mùa đông bắt đầu, hầu hết phụ nữ đều tập trung may trang phục cho các thành viên trong gia đình để kịp mặc trong những ngày Tết, đi du xuân cùng bà con các bản.
Trong nhà của người dân Chiêu Ly, hầu như gia đình nào cũng có vài cân thịt treo lủng lẳng trên bếp lửa. Đó là nguồn thực phẩm được người dân dành dụm để ăn trong những ngày Tết, một món ăn không thể thiếu của bà con vùng cao Tây Bắc mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ngoài ra, trong những ngày Tết, gia đình nào có điều kiện thì mổ bò, mổ lợn, nhà nào kinh tế khó khăn cũng phải thịt vài con gà để ăn Tết.
Ông Hồ Sấy Vàng, người dân bản Chiêu Ly chia sẻ: “Năm nay ăn Tết vui lắm! Gia đình tôi đã chuẩn bị gạo nếp và có gà, có lợn để mổ ăn Tết. Vào ngày Tết, mồng 1 được dành để đi chúc sức khỏe anh em, họ hàng và làng xóm; ngày mồng 2, ai cũng đi du xuân để tham gia ném còn, đánh cù, kéo co vui lắm. So với trước đây, cuộc sống của bà con nay đã thay đổi nhiều, có đường bê tông thuận lợi để đi lại, có điện lưới quốc gia nên người dân đón Tết hạnh phúc và vui vẻ hơn”.
Anh Hồ Thú Sử, Trưởng bản Chiêu Ly, xã Sa Lông cho biết: Bản Chiêu Ly hiện có 74 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông Hoa. Cũng giống như nhiều bản rẻo cao khác ở Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo của Chiêu Ly vẫn còn khá cao, hơn 60%. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song ý thức phát triển kinh tế đã được người dân quan tâm.
Ngoài nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng lúa nương, nhiều hộ dân trong bản đã biết trồng rau xen lẫn giữa nương đá, nuôi gà, nuôi lợn và trâu bò phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ khi nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa ở Sa Lông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được nhiều người biết đến, một số hộ dân đã biết may trang phục không chỉ để mặc mà còn để bán kiếm thêm thu nhập.
Sa Lông là xã vùng cao khó khăn của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Toàn xã Sa Lông hiện có 7 bản với hơn 650 hộ, hơn 3.400 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông chiếm 80%; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã 67%. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, trồng dứa và chăn nuôi gia súc.
Ông Hồ A Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Lông, huyện Mường Chà cho biết: Từ nhiều năm nay, toàn bộ người dân tộc trên địa bàn xã đều ăn Tết Nguyên đán cùng đồng bào cả nước. UBND xã Sa Lông cũng đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo, họp các trưởng thôn, bản để quán triệt các nội dung vui xuân, đón Tết đến với bà con dân bản. Xã đã khảo sát để có chính sách hỗ trợ những hộ dân nghèo, không đủ điều kiện ăn Tết có thể đón Tết vui vẻ, ấm cúng.
Ngoài ra, xã cũng đã tuyên truyền, triển khai cho nhân dân về việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để người dân đón Tết lành mạnh; tổ chức địa điểm cho bà con vui xuân với các trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Qua đó, tạo không khí vui tươi trong dịp đầu xuân mới cho người dân cũng như giữ gìn, bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Một mùa xuân mới đang về, đối với người dân vùng cao Điện Biên, ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cứ đến dịp Tết, bà con tạm gác lại công việc đồng áng, cùng nhau đón một cái Tết đầm ấm, trọn vẹn với nhiều ước mong, kỳ vọng.