Bảo đảm an toàn cho người dân trong phạm vi khối trượt nguy hiểm tại Tìa Dình

Chiều 9/7, ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã trao đổi với phóng viên TTXVN nội dung liên quan đến khối trượt sạt có diện tích rộng hơn 12 ha đang thời kỳ hoạt động, xuất hiện tại khu vực trung tâm xã Tìa Dình, từng ngày uy hiếp sự an toàn của hàng trăm hộ dân và các công trình công cộng, nhà ở.

Chú thích ảnh
 Một cung trượt dạng bậc có mức độ sụt lún hơn 1,3m. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương thường xuyên thông báo đến người dân về mức độ nguy hiểm của tình trạng sụt lún, nứt gãy nền đất; đồng thời khuyến cáo người dân tạm thời di dời sang nơi an toàn hơn để sinh sống. Hiện, chính quyền địa phương đã xây dựng lịch trực 24/24 giờ cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, sụt lún để có phương án ứng phó nhanh nhất khi sự cố thiên tai xảy ra.

Cũng theo ông Tráng A Dia, tại khu vực bản Tìa Dình C (thuộc khu vực Trung tâm xã Tìa Dình), nơi có trên 70 hộ dân, với trên 400 nhân khẩu sinh sống, nhiều người dân dù không có kinh phí tháo dỡ, di chuyển nhà cửa nhưng khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đã chủ động thu dọn đồ đạc, chuyển đến sinh sống với người thân tại các bản Tìa Dình A, Tìa Dình B, xa phạm vi ảnh hưởng của khối trượt sạt. Nhiều ngày qua, bộ máy chính quyền địa phương với trên 30 cán bộ, công chức đã phải di dời đến Trạm y tế xã (xây mới) ngoài khu vực trượt sạt để làm việc, giao dịch hành chính.

Ông Tráng A Dia - Chủ tịch UBND xã Tìa Dình chia sẻ, việc tháo dỡ nhà cửa của người dân trong bản có thuận lợi là chính quyền, người dân cùng chung tay thực hiện. Nhưng do chưa có phương án di dời cụ thể về địa điểm nên vấn đề mặt bằng để dựng nhà, kinh phí để di dời, vận chuyển nhà cửa là rất khó. Qua khảo sát của chính quyền địa phương, phương án di dời trụ sở xã, trường học, các hộ dân ra khỏi khối trượt đã có 2 địa điểm.

Hai địa điểm này đều được phần lớn người dân đồng ý, mong muốn được di chuyển để sớm ổn định cuộc sống. Địa điểm một là khu đất đối diện với Trạm y tế mới, thuộc tiểu khu 785, 787 ở các khoảnh 8 và 5 với tổng diện tích hơn 14 ha, cách trung tâm xã (cũ) khoảng 1 km. Hai là khu vực trong tiểu khu 795 thuộc khoảnh 2 với tổng diện tích hơn 10 ha, cách trung tâm xã (cũ) 3 km. 

Chú thích ảnh
Cả khối trượt có quy mô diện tích hơn 12 ha. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Đầu tháng 7/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã họp, xem xét báo cáo kết quả nhiệm vụ “Điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực Trung tâm xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông; đề xuất biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại”. Tại đây, đại diện lãnh đạo đơn vị tư vấn (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, sau khi mưa to xảy ra, tại Trung tâm xã Tìa Dình đã xuất hiện một số vết nứt, uy hiếp an toàn các hộ dân. Cuối tháng 8/2018, sau những trận mưa lớn, kéo dài hơn 3 ngày, tại khu vực này tiếp tục xảy ra sự cố sụt lún, nứt đất nghiêm trọng. Thời điểm đó, khu trung tâm xã có 44 hộ bị ảnh hưởng, 4 căn nhà bị sụt, lún, nghiêng; 10 nhà dân, 10 lớp học bị nứt tường… Nghiêm trọng hơn, tại khu vực này đã hình thành vết nứt, sụt lún đất trên sườn núi dạng cung trượt quy mô lớn, có khả năng uy hiếp an toàn dân cư và các công trình công cộng, dân sinh phía dưới… 

Đến nay, khu vực trung tâm xã Tìa Dình có gần 140 vị trí xuất hiện khe nứt, sụt lún, các khe sụt lún phát triển không liên tục với chiều dài thay đổi từ 2m đến 60m; chiều rộng (độ mở) thay đổi từ 0,1 - 1,5cm đến 10 - 25cm; độ sụt lún thay đổi từ 2cm đến 80cm. Hoạt động sụt lún xảy ra trên hầu khắp phạm vi phân bố của khối vật liệu trượt lở cổ và trên vỏ phong hóa ở sườn núi đối diện UBND xã với diện tích khoảng 13,5 ha. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên (đơn vị tư vấn) đánh giá: Nguyên nhân xảy ra sụt lún, trượt lở là do khối vật liệu trượt cổ ngoại lai được đưa từ phía trên xuống cùng với tầng đất đá vỏ phong hóa và tầng đất đá deluvi bị chôn vùi. Khối vật liệu này không đồng nhất, có mức độ gắn kết kém, khả năng kháng nén, kháng lún kém…

Để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại và mang tính ổn định lâu dài, phải di dời các công trình Trụ sở UBND xã, trường tiểu học, bưu điện, khu nội trú trường trung học cơ sở và 73 hộ dân trong toàn bộ phạm vi bị ảnh hưởng ra khỏi khối trượt sạt đến vị trí mới an toàn. Cùng với giải pháp ổn định lâu dài, cần xây dựng công trình thu thoát nước mặt, hạn chế nước mặt xâm nhập vào khối vật liệu trượt; khi có mưa lớn kéo dài phải khuyến cáo nhân dân ra khỏi vị trí xung yếu…

Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành, cơ quan chức năng đã phân tích, đề xuất các phương án di chuyển những hộ dân, điểm trường tại khu vực sụt lún, sạt lở đến vị trí an toàn và làm rõ hơn một số nguồn vốn để ưu tiên cho huyện Điện Biên Đông triển khai phương án di dời dân, trụ sở UBND xã, trường học và các công trình công cộng tại xã Tìa Dình đến vị trí mới khi phương án di dời được phê duyệt. Trước mắt, khẩn trương di dời dân và các trường học đến vị trí an toàn.

Kết luận tại cuộc họp, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án di dời cụ thể. Đối với quy mô và nguồn vốn di chuyển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến đồng tình với phương án sẽ di chuyển 73 hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng, công trình trụ sở UBND xã, trường tiểu học và khu nội trú trường trung học cơ sở; nguồn vốn di chuyển sẽ sử dụng nguồn vốn dự phòng của cấp xã, cấp huyện và nguồn cân đối ngân sách địa phương của tỉnh.    

Tuyết Anh - Hải An (TTXVN)
Sụt lún, sạt lở núi tại Đại Từ (Thái Nguyên) đe dọa tính mạng người dân
Sụt lún, sạt lở núi tại Đại Từ (Thái Nguyên) đe dọa tính mạng người dân

Do ảnh hưởng của những đợt mưa lớn trong tháng 5 và tháng 6/2019, khu vực đồi núi tại Km18, tỉnh lộ ĐT 270, đoạn qua xóm Yên Thái (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) xuất hiện vết nứt đất, sạt trượt ta luy đất và các bậc bê tông đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 14 hộ dân dưới chân núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN