Khảo sát của cơ quan chức năng huyện Đại Từ cho thấy, có 5 vết nứt lớn, chiều rộng từ 15 - 20cm, chiều dài từ 20 - 40m, ăn sâu vào lòng đất.
Ông Ngô Văn Hoa, Trưởng xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, cho biết, sau mỗi trận mưa các vết nứt càng rộng ra, nếu sạt trượt đất đá sẽ gây nguy hiểm cho những hộ dân sống ngay dưới chân núi và làm ách tắc tỉnh lộ ĐT270. Người dân mong muốn cơ quan chức năng khảo sát và sớm xử lý tình trạng này để họ yên tâm sinh sống.
Được biết, những vết nứt này bắt đầu xuất hiện từ tháng 8/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Giao thông Vận tải kiểm tra hiện trạng và xử lý vị trí sạt lở. Từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019, Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành phương pháp đào giật cấp 5 bậc từ chân núi lên lưng chừng núi. Trên mặt bậc thiết kế rãnh cơ và được gia cố bằng lớp bê tông xi măng nhằm giữ ổn định mặt bậc, thu nước chảy vào rãnh xây đá có bậc nước, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau những đợt mưa lớn, người dân đã phát hiện vết nứt xuất hiện trên các bậc bê tông, sạt lở bề mặt ta luy đất.
Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, huyện đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải khảo sát các vị trí nứt, sạt lở. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo xã cắm biển cảnh báo cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực nguy hiểm trên tuyến ĐT 270, phân công cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Tân Thái cùng cơ sở thường trực 24/24h tại khu vực có vết nứt, sạt lở để theo dõi, kịp thời cảnh báo cho nhân dân.
Đến nay các ngành chức năng huyện Đại Từ đã tuyên truyền, di chuyển người và tài sản của sáu hộ dân nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn. Các hộ còn lại đã di chuyển tài sản giá trị, người già, phụ nữ, trẻ em đến nhà người thân.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa, có nơi mưa rất to; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi và ngập úng ở vùng trũng thấp… Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công điện chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”. Ngành chức năng triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng, bảo vệ công trình, nhà máy, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản, đê điều. Đặc biệt, các lực lượng chức năng chủ động rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng… để có phương án sơ tán, di chuyển, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.