Người tham gia giao thông vi phạm về uống rượu bia điều khiển phương tiện là một trong những vi phạm phổ biến ở Việt Nam. Quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nước tình trạng sử dụng bia rượu rồi tham gia giao thông là lớn nhất ở châu Á.
Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị sơ kết công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ áp dụng thí điểm theo kinh nghiệm quốc tế. Hội nghị do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu phối hợp tổ chức sáng 9/12.
Đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho thấy chỉ sau một tháng triển khai chiến dịch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đã phát hiện 10.160 trường hợp vi phạm, trong đó, phương tiện mô tô, xe máy chiếm tới 96,6% (9.814 trường hợp), tiếp đến là ô tô con, chiếm 2,7% (273 trường hợp). Công an các tỉnh, thành phố đã tước giấy phép lái xe trên 1.200 trường hợp, tạm giữ 1.254 phương tiện. Tại Quảng Ninh, với việc áp dụng phương thức tuần tra kiểm soát theo kinh nghiệm quốc tế, chuyển từ phương pháp kiểm soát thụ động sang chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong người điều khiển phương tiện, trong vòng 20 ngày, từ 11/11 đến 30/11, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm soát trên 3.500 lượt phương tiện, phát hiện, lập biên bản xử lý 170 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt 930 triệu đồng, tạm giữ 170 phương tiện gồm 156 ô tô, 14 mô tô, tước giấy phép lái xe 157 trường hợp. 100% người vi phạm là nam giới ở độ tuổi từ 22 đến 50 tuổi.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Hiệp, quá trình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tại Quảng Ninh được thực hiện nhanh chóng, kiểm tra được nhiều người, đối tượng bị kiểm tra hợp tác, chấp hành tốt, không xảy ra trường hợp chống người thi hành công vụ, chưa có trường hợp nào khiếu nại về thái độ hoặc sai phạm của cán bộ chiến sỹ thực thi công vụ. Chiến dịch đã đạt được các tiêu chí công khai, minh bạch, giảm phiền hà, do vậy đã tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ lái xe và nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ quan chức năng cũng còn gặp không ít khó khăn như người vi phạm tạo, biện lý do để trì hoãn sự kiểm tra, lợi dụng mối quan hệ gọi điện thoại nhờ can thiệp hoặc có lời nói, cử chỉ, thái độ thiếu văn hóa, dùng tiểu xảo làm hạn chế hiệu quả công tác kiểm tra…
Theo một số kết quả khảo sát đánh giá tại những bệnh viện lớn, hơn 30% ca tử vong giao thông đường bộ và 60% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn cho phép.
Chu Thanh Vân