Báo động về nhiễm phóng xạ hạt nhân ở Nhật Bản

Sáng 15/3, lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Nhật Bản đã phát nổ, khiến mức phóng xạ ở tỉnh Ibaraki (cách thủ đô Tôkyô 250 km về phía đông bắc) tăng cao nhưng chưa đến mức gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Đây là vụ nổ thứ ba liên tiếp tại các lò phản ứng hạt nhân, làm dấy lên nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ trên diện rộng.

Một phần của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở Tmiokamachi, tỉnh Fukushima (Ảnh tư liệu)


Cùng ngày, hỏa hoạn đã xảy ra tại lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Các quan chức của Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) cho biết, khu vực tây bắc của tầng 4 thuộc tòa nhà bao qunah lò phản ứng này đã bố cháy. Trước đó, trần của tầng thứ 5 tòa nhà đã bị hư hại.

TEPCO, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân nói trên, cho biết mức độ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đã có lúc tăng lên đến 8.217 microsievert/giờ sau khi lò phản ứng số 2 phát nổ, cao hơn 8 lần so với mức cho phép là 1.000 microsievert/giờ, tương đương với mức phơi nhiễm tự nhiên trong 8 năm. Sau đó, mức phóng xạ đã giảm xuống 2.400 microsievert/giờ. Người phát ngôn của Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản nói rằng, họ vẫn chưa biết rõ lý do của sự dao động đột ngột chỉ số phóng xạ này.

Mức phóng xạ tại Ibaraki đo được là 965,5 microsievert/giờ, con số này sau đó đã giảm xuống 882 microsievert/giờ. Nhân viên làm việc tại lò phản ứng số 2 đã được sơ tán, trừ lực lượng đảm trách việc bơm nước làm nguội lò phản ứng.

Ông Amano Yukiya, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu cơ quan này giúp đỡ về mặt kỹ thuật trong xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Cơ quan này sẽ cử chuyên gia tới hiện trường để tìm hiểu ảnh hưởng của việc nhiễm phóng xạ. Đồng thời, Nhật Bản cũng chính thức đề nghị Mỹ hỗ trợ kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân của nước này bị hư hại do trận động đất và sóng thần lịch sử hồi tuần trước.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Edano Yukio cho biết, bể nén của lò phản ứng số 2 - thiết bị được kết nối với các bình ngăn và được thiết kế để ngăn chặn vật liệu phóng xạ rò rỉ ra ngoài - đã bị hư hỏng. Các chuyên gia cho rằng, thiết bị trọng yếu này hư hỏng đã làm gia tăng khả năng rò rỉ phóng xạ.

Trước đó, các thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 2 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đã lộ ra khoảng 2,7 m trên mặt nước trong khoang chứa, tức là khoảng một nửa chiều cao của các thanh nhiên liệu, và gần phát nổ sau khi một bơm làm lạnh bất ngờ ngừng hoạt động, làm gia tăng quan ngại về khả năng tan chảy từng phần của các thanh nhiên liệu ở đây.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết chưa có dấu hiệu về khả năng tan chảy tại các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại do trận động đất ngày 11/3. Tuy nhiên, tình trạng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đang không ngừng thay đổi.


Trong khi đó, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng, cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima rất khó có thể biến thành một thảm họa như Chernobyl. Người đứng đầu Cơ quan An toàn hạt nhân của Pháp (ANS) Andre-Claude Lacoste cũng đánh giá, những vấn đề ở Fukushima nghiêm trọng hơn sự cố tại Đảo Ba Dặm ở bang Pennsylvania (Mỹ), song không lớn bằng vụ Chernobyl. Sự cố tại Đảo Ba Dặm năm 1979 được xếp ở cấp 5 trong thang quốc tế từ cấp 0 đến 7, trong khi vụ nổ ở Chernobyl xếp ở cấp 7. Ông Andre-Claude Lacoste cho rằng sự cố ở Nhật Bản có lẽ xếp ở cấp 6, trên mức xếp loại cấp 4 của Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan một lần nữa nhắc nhở người dân ở trong vòng bán kính 20 km quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đi sơ tán. Thủ tướng Kan cũng khuyến cáo người dân trong vòng bán kính 20-30 km quanh nhà máy điện này nên ở trong nhà.

Trong một diễn biến khác, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cũng đưa tin một trận động đất với cường độ 4,1 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực Tôkyô lúc 5 giờ sáng ngày 15/3 (giờ địa phương). Hiện chưa có thông báo về thương vong, thiệt hại hay cảnh báo sóng thần do trận động đất mới này gây ra.

Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN