Bao giờ Yên Bái mới nâng cao được chất lượng chè?

Một thời, Yên Bái là niềm tự hào của ngành công nghiệp chế biến chè của cả nước. Các nhà máy chè đen xuất khẩu nổi tiếng như: Nhà máy chè đen Yên Bái, Nhà máy chè 42 tấn Trần Phú... còn là điểm đến tham quan của không ít các chính trị gia nước ngoài khi tới Việt Nam.


Những tưởng các nhà máy chè sẽ trường tồn mãi mãi, nhưng rồi niềm tự hào ấy đã lu mờ theo năm tháng. Cái mà người ta gọi là "thương hiệu" chè Yên Bái hiện nay đang đi ngược lại với chất lượng chè... nên chất lượng chè Yên Bái vẫn thuộc diện thấp kém nhất so với các tỉnh khác.

Là miền sơn cước, cây chè Yên Bái với chất lượng búp chè được chắt lọc từ những tinh túy của trời đất, với vùng nguyên liệu rộng lớn sản lượng thuộc vào các tỉnh đứng đầu của cả nước.


Để xây dựng thương hiệu chè Yên Bái trở thành sản phẩm có chất lượng cao đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Yên Bái đã thực hiện chủ trương, không tăng thêm diện tích chè hiện có mà tập trung nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chè.

Theo đó, tỉnh đã tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu và có chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo đồi chè như: Vùng cao ưu tiên cho chè shan tuyết, vùng thấp từng bước cải tạo đồi chè cằn cỗi bằng trồng các giống chè nhập ngoại như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... để thay thế dần giống chè hiện có.


Trong chế biến, Yên Bái ưu tiên, khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến chè...

Người dân Yên Bái thu hoạch chè.


Tuy nhiên, chè Yên Bái vẫn chưa thể trở thành sản phẩm chất lượng. Trái lại, chè Yên Bái hiện đang thuộc diện phẩm cấp thấp so với sản phẩm chè của các tỉnh, thành khác trong cả nước.


Minh chứng cho điều này, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái tổ chức kiểm tra 81 cơ sở chế biến chè ở tỉnh Yên Bái, đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng VSATTP các cơ sở chế biến chè.

Kết quả chỉ có 9 cơ sở xếp loại A, bao gồm: Công ty CP chè Nghĩa Lộ, Công ty CP chè Trần Phú, Công ty CP chè Văn Hưng, HTX Hương Lý, Công ty CP chè Liên Sơn… Số còn lại, có tới 50 cơ sở xếp loại B, 22 cơ sở xếp loại C.


Những cơ sở xếp loại A đều là những công ty chè nhà nước chuyển thành công ty CP, có truyền thống sản xuất chè mấy chục năm qua và một số HTX sản xuất chè chất lượng cao, có hệ thống nhà xưởng tốt, thiết bị máy móc tiên tiến, công nhân đáp ứng được các qui định về VSATTP. Các cơ sở chế biến xếp loại B, C có hệ thống nhà xưởng tạm bợ, xuống cấp, thiết bị máy móc cũ kỹ, lạc hậu…

Nguyên nhân dẫn tới chất lượng chè Yên Bái thấp có khá nhiều, song chung quy lại là do việc cấp giấy phép đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến chè ở Yên Bái tràn lan không phù hợp với thực tế của vùng nguyên liệu. Hiện nay ở Yên Bái có tới 94 cơ sở chế biến chè với tổng công suất đạt 960 tấn/ngày, gần gấp 3 lần khả năng cung cấp nguyên liệu.


Riêng huyện Văn Chấn có 40 cơ sở chế biến, công suất gần 300 tấn/ngày, gấp 2,5 lần nguyên liệu. Sự phát triển quá nóng các cơ sở chế biến mà không có sự cân đối với vùng nguyên liệu dẫn tới việc tranh mua, tranh bán khốc liệt.

Để có nguyên liệu chế biến, khi có thị trường các doanh nghiệp đua nhau nâng giá, mua hổ lốn các loại chè, kể cả chè cắt bằng liềm cuộng dài hơn cả gang tay.


Khi không có thị trường thì cùng nhau hạ giá, không mấy doanh nghiệp chú ý tới vùng nguyên liệu và người trồng chè. Kiểu làm ăn chộp giật, kinh doanh trên ngọn cây chè đã ngự trị trong ngành sản xuất chè ở Yên Bái từ nhiều năm nay, khiến cho chất lượng sản phẩm chè quá kém.

Ngoài nguyên nhân trên còn có một yếu tố góp phần làm chất lượng chè Yên Bái kém như hiện nay, là các đầu mối xuất khẩu kể cả Tổng công ty chè Việt Nam cùng với các “đại gia” xuất khẩu chè vẫn bằng lòng mua chè chất lượng thấp ở Yên Bái để đấu trộn với chè chất lượng cao trước khi xuất khẩu.

Với thực trạng này không biết đến bao giờ chất lượng chè búp khô ở Yên Bái mới được nâng lên?

Đức Tưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN