Trong 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh đã xảy ra 9.449 vụ bạo lực gia đình, hơn 70% nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ; trong đó 35,8% vụ bạo lực tinh thần, 49,3% vụ bạo lực thân thể, 5,03% vụ bạo lực tình dục. Trên 3.000 vụ việc được can thiệp, xử lý đối với người gây bạo lực.
Nhờ thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã giảm. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 1.780 vụ bạo lực gia đình, năm 2017 chỉ còn 845 vụ (giảm 935 vụ), 6 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh chỉ xảy ra 245 vụ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho biết: Số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm. Tuy nhiên, nạn nhân các vụ bạo lực là đối tượng yếu thế, phụ nữ, trẻ em. Nhiều vụ việc không được phát hiện, can thiệp kịp thời, gây hệ lụy xấu trong xã hội, tính chất nghiêm trọng của các vụ việc vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Trong 10 năm (2008 - 2018), toàn tỉnh đã xảy ra 214 vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng, tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Cư Kuin, Cư M’Gar và thành phố Buôn Ma Thuột. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 127 vụ, 167 bị can (giết người 74 vụ, cố ý gây thương tích vụ, hiếp dâm trẻ em 23 vụ, 7 vụ dâm ô, giao cấu với trẻ em).
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà: Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tỉnh tiếp tục lồng ghép tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với các phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Xây dựng gia đình nông thôn văn hóa”…
Bên cạnh đó, các huyện, thị duy trì hiệu quả 273 “Câu lạc bộ gia đình bền vững”, 472 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 527 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 2.437 tổ hòa giải. Đặc biệt, mô hình “Tư vấn phòng chống bạo lực gia đình miễn phí qua Facebook” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được nhân rộng đến các huyện, thị xã, thành phố.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan, các hội, đoàn thể bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình, cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố; đưa ra giải pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại cộng đồng; tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Song song với đó, tỉnh tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình, người yếu thế. Các cấp chính quyền ở cơ sở phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực gia đình, hạn chế để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.