Bạo lực tiếp diễn tại Syria, người tị nạn tăng mạnh

Ngày 9/11, lực lượng chính phủ Syria tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm vào các phần tử chống đối tại khu vực gần thủ đô Damascus và các tỉnh lân cận. Theo các nguồn tin quân sự Syria, sau 2 tuần chống cự, các tay súng chống đối về cơ bản đã bị đánh bật khỏi Damascus. Tuy nhiên, chiến sự vẫn tiếp diễn tại khu vực ngoại ô Damascus và các tỉnh như Aleppo ở miền Bắc.

 

Hiện trường vụ đánh bom ở Qudsaya, phía Tây thủ đô Damascus, Syria hôm 6/11 làm 10 người thiệt mạng. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Trong khi đó, tình hình tại Syria tiếp tục diễn biến phức tạp với bạo lực không có dấu hiệu giảm bớt. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR - trụ sở tại Anh) cho biết đã có ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng trong các vụ xung đột tại Ras al-Ain, một trong hai điểm giao cắt duy nhất ở khu vực giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ còn nằm trong tay quân đội chính phủ. Theo SOHR, các tay súng chống đối đã bắt giữ nhiều binh sĩ và giành quyền kiểm soát nhiều điểm trọng yếu tại Ras al-Ain, trong đó có các trụ sở cơ quan an ninh và tình báo Syria.


Tại thị trấn Muadamiya al-Sham ở thủ đô Damascus, một chiếc xe gài bom đã phát nổ bên ngoài văn phòng thị trưởng tại đây, làm 4 dân thường thiệt mạng. Các vụ pháo kích tại tỉnh Deir Ezzor, phía Đông Syria, cũng đã làm 12 người dân thiệt mạng. Theo thống kê sơ bộ, các vụ bạo lực diễn ra trong ngày 9/11 trên toàn Syria đã khiến 114 người thiệt mạng, trong đó có 53 binh sĩ chính phủ và 47 dân thường.


Báo cáo của Liên hợp quốc, cho biết đã có 11.000 người Syria phải chạy sang các quốc gia láng giềng chỉ riêng trong vòng 24 giờ qua, trong đó riêng số người chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ đã là 7.000 người, nâng tổng số người tị nạn Syria tại các nước như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Iraq lên hơn 700.000 người. Theo ước tính của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo thuộc LHQ (OCHA), số người tị nạn Syria có thể nâng từ 2,5 triệu người hiện nay lên 4 triệu người vào đầu năm tới nếu cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này không chấm dứt.


Phát biểu trong cuộc họp báo sau Diễn đàn Nhân đạo Syria lần thứ 6 tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 9/11, ông Panos Moumtzis, điều phối viên khu vực của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cho biết con số 11.000 người tị nạn trong vòng một ngày quả thực là con số cao nhất từ trước đến nay.


Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ nước này đã quyết định cung cấp một khoản viện trợ mới trị giá 34 triệu USD để đảm bảo cuộc sống cho người tị nạn Syria trong mùa Đông tới và bảo vệ trẻ em trước các dịch bệnh.


Khoản viện trợ mới này được Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kelly Clements công bố tại Diễn đàn Nhân đạo Syria. Trong tổng số tiền viện trợ nói trên sẽ có khoảng 16,7 triệu USD được dùng để hỗ trợ người tị nạn Syria tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon trong mùa Đông tới, và số còn lại sẽ được sử dụng vào các chương trình tiêm chủng cho trẻ em tại Syria.


Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), khối đối lập chính ở Syria, đã bầu ông George Sabra làm tân Chủ tịch của lực lượng này trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tối 9/11 tại thủ đô Doha của Cata. Theo kênh truyền hình "Al Jazeera" của Cata, ông Sabra đã nhận được 28 phiếu trên tổng số 41 thành viên của Ban thư ký chung SNC mới được bầu vào đêm 8/11 vừa qua. Tân chủ tịch của SNC là người theo đạo Cơ đốc và đã từng bị bắt vào tháng 7/2011 vì tội kích động người dân Syria biểu tình chống Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.


Trước đó cùng ngày, SNC đã bầu ra ban chấp hành mới gồm 11 thành viên trong đó có Chủ tịch sắp mãn nhiệm của SNC Abdel Basset Sayda, ông Sabra và ông Farouq Tayfour, một thành viên cấp cao thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo. Việc bầu chọn ban lãnh đạo mới của SNC diễn ra trong bối cảnh liên minh đối lập này đang phải cạnh tranh gay gắt để giữ vai trò lãnh đạo phe đối lập Syria và chịu sức ép phải đoàn kết với các lực lượng đối lập khác để chống lại Tổng thống Syria al- Assad.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN