Hát then là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày. Theo quan niệm dân gian, then có nghĩa là thiên, tức là “giàng, trời” và hát then được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại.
Nghệ nhân Mã Văn Trực (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) biểu diễn làn điệu hát then. |
Nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến (tổ 26, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang) là một người làm đàn tính giỏi. Đàn của ông rất tinh xảo và có âm thanh chuẩn xác. |
Đàn tính được làm từ quả bầu phơi khô và thân đàn được làm từ gỗ thừng mực. |
Nghệ nhân Hoàng Đức Thăng (bản Dâng, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) hướng dẫn và truyền dạy hát then và cách sử dụng đàn tính cho thế hệ trẻ. |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bảng (xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) biểu diễn hát then quạt. Then quạt được sử dụng trong các nghi lễ cầu yên, như: Cúng mụ, giải hạn, hát chữa bệnh... Ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là tiếng Tày. |
Hát then thường được sử dụng trong các nghi lễ: Cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Ngôn ngữ của lời then thường mộc mạc, giàu hình ảnh, gần gũi với cuộc sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh phong phú, lối so sánh, ví von. Nội dung các khúc hát then đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, mong muốn nhân an vật thịnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, giai điệu mượt mà, sâu lắng, âm hưởng mềm mại, đầm ấm, tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng, sức truyền cảm mạnh.
Then Tày Tuyên Quang có hai hình thức thể hiện, đó là then quạt và then tính. Trải qua thời gian, điệu hát then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con nơi vùng cao. Hát then Tuyên Quang và các tỉnh vùng Việt Bắc đang được chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp, để di sản văn hóa dân tộc được cả thế giới biết đến loại hình nghệ thuật di sản văn hóa dân gian độc đáo này.
Minh Đức