Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt “Dự án Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với mục đích bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc rất ít người . Ông Hoàng Đức Hậu (ảnh), Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH, TT & DL), đã có những chia sẻ xung quanh dự án này.
Xin ông cho biết mục đích của việc xây dựng “Dự án Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”?
Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, có điều kiện cuộc sống vô cùng khó khăn, địa bàn sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, nhiều dân tộc bị mai một văn hóa truyền thống. Có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí mất hẳn. Việc bảo tồn khẩn cấp về văn hóa cũng như đầu tư, hỗ trợ phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc có số dân dưới 10.000 người vì vậy là hết sức cần thiết.
Dân tộc Pà Thẻn, một trong những dân tộc có số dân dưới 10.000 người là đối tượng thụ hưởng trong dự án. |
Chính vì vậy, “Dự án Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” ra đời, với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số rất ít người, đưa các dân tộc thiểu số rất ít người ra khỏi tình trạng nguy cơ cao về mai một, mất bản sắc văn hóa của họ. Đồng thời hỗ trợ các dân tộc vùng di dân tái định cư bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa tại nơi định cư mới, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào, giúp đồng bào từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm tự bảo vệ văn hóa của chính mình.
Đồng bào chính là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, nên đồng bào sẽ là người bảo tồn tốt nhất. |
Vậy nội dung cụ thể, cũng như nhiệm vụ trọng tâm của dự án là gì, thưa ông ?
Dự án có hai nội dung chính là tăng cường hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước, để tăng cường năng lực cho đồng bào, bên cạnh đó, bài trừ hủ tục, tập tục, thói quen trong đời sống mà không còn phù hợp với cuộc sống đương đại hiện nay. Đối tượng thực hiện của dự án là 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, bao gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo (dưới 1.000 người); Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái (dưới 5.000 người); Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ (dưới 10.000 người) và các dân tộc thiểu số vùng di dân tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện.
Nhiệm vụ trọng tâm của Dự án là kiểm kê, đánh giá thực trạng về di sản văn hóa, đời sống văn hóa của các dân tộc rất ít người, các dân tộc di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện tại Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, qua đó đánh giá thực trạng văn hóa, những ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, xã hội của đồng bào, từ đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để khôi phục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, chính sách để ổn định đời sống kinh tế, xã hội…
Ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH, TT & DL Lào Cai:
Tập trung bảo tồn văn hóa dân tộc Bố Y
Tỉnh Lào Cai có dân tộc Bố Y (khoảng 1.500 người) nằm trong phạm vi của dự án. Đến nay, tỉnh đã thực hiện tổng điều tra về dân tộc Bố Y ở tất cả các làng có người Bố Y sinh sống, tìm hiểu di sản ở trong các làng và đã phát hiện nhiều di sản văn hóa quý giá trong cộng đồng dân tộc Bố Y.
Chúng tôi rất quan tâm đến việc lưu giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, chẳng hạn như bảo vệ cấu trúc làng (việc chọn làng ở đâu, nơi thờ cúng làm sao, tính cộng đồng của một làng như thế nào, hương ước, quy ước như thế nào…). Ngoài ra, chú trọng giữ gìn trang phục truyền thống Bố Y. Trang phục Bố Y có bản sắc rất riêng, khác với tất cả các dân tộc khác, nhưng hiện nay đồng bào Bố Y còn rất ít trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, sẽ tìm giải pháp để phục hồi ngôn ngữ cho đồng bào, vì ngôn ngữ Bố Y đã mất cách đây khoảng 50 năm, đến nay chỉ còn một số chữ cổ.
Trong quá trình điều tra, kiểm kê di sản, chúng tôi phát hiện một số di sản văn hóa của dân tộc Bố Y rất có giá trị, có thể sẽ được tiến hành xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa quốc gia, như nghệ thuật múa, nghệ thuật tranh cắt giấy, âm nhạc Bố Y, hay một số lễ hội như lễ hội nhảy lửa, lễ hội đuổi làng, quét làng…
Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VH, TT & DL Gia Lai:
Phải để đồng bào nhận thức được là chủ nhân di sản
Ngay sau khi Bộ VH, TT & DL có chủ trương, Sở VH, TT & DL Gia Lai đã tiến hành điều tra hiện trạng của các nhóm, các vùng, các địa phương được hưởng lợi từ Dự án. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là phong tục tập quán của bà con có sự thay đổi, sự du nhập cuộc sống hiện đại hiện nay, nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống của bà con đang dần bị mai một. Để tăng cường hiệu quả dự án, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đồng bào nhận thức được họ chính là chủ nhân của di sản, là người gìn giữ tốt nhất di sản của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở VH, TT & DL Quảng Trị:
Sẽ thực hiện hiệu quả
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc ít người. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, chú trọng việc xây dựng đời sống mới, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào, xây dựng những nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ sách báo, tăng cường công tác tuyên truyền bằng phim ảnh cho đồng bào… Đối với việc thực hiện dự án mà Bộ VH, TT & DL mới phê duyệt, tỉnh sẽ phối hợp để thực hiện một cách hiệu quả nhất. |
Bên cạnh đó, dự án sẽ lựa chọn một số làng, bản các dân tộc rất ít người sống tập trung để đầu tư, bảo tồn làng, bản truyền thống, gồm bảo tồn cảnh quan môi trường thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể (như kiến trúc, nhà ở, trang phục, ẩm thực), văn hóa phi vật thể (gồm phong tục, tập quán, lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, tiếng nói, chữ viết, văn học dân gian…) gắn với không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người.
Ngoài ra, dự án chú trọng xây dựng, bảo tồn một số làng nghề truyền thống vùng đồng bào các dân tộc rất ít người; bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu; tăng cường năng lực của các chủ thể văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân, những người có uy tín trong cộng đồng, để họ nhận thức, tham gia với vai then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình; xây dựng các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian, tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, hướng dẫn bảo tồn các lễ hội tiêu biểu của đồng bào…
Quá trình thực hiện Dự án sẽ diễn ra trong thời gian bao lâu?
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2020, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 của Dự án từ năm 2013 - 2015, sẽ tập trung vào các dân tộc có số dân dưới 1.000 người gồm Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo và vùng đồng bào di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện. Trước mắt, sẽ bảo tồn khoảng 30 làng truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số rất ít người (ưu tiên cho các dân tộc có số dân dưới 1.000 người). Giai đoạn 2 của Dự án (2015 - 2020) tập trung vào các đối tượng còn lại, là dân tộc có số dân dưới 10.000 người và vùng đồng bào di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện. Tiếp tục hỗ trợ bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của 20 thôn, bản (thuộc 16 dân tộc trong dự án).
Dự án sẽ được triển khai thực hiện như thế nào để có hiệu quả tốt nhất, thưa ông?
Để Dự án đạt hiệu quả cao, thì không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa, mà cả đời sống xã hội cũng cần được cải thiện. Trước hết là các cấp các ngành phải vào cuộc mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền, cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để thay đổi, nâng cao nhận thức của đồng bào về văn hóa. Đồng bào chính là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, nên đồng bào sẽ là người bảo tồn tốt nhất.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách văn hóa cụ thể, trong đó có nội dung ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc ít người; tôn vinh, đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể… Kêu gọi các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho mục tiêu bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc ít người. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa dân tộc cho đồng bào. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, cần tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên để dự án đạt hiệu quả tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!
Phương Lan (thực hiện)