Bảo tồn kiến trúc Gu Bla của đồng bào Cor

Gu Bla (cây Gu) là một trong 3 công trình kiến trúc chính được dùng trong lễ hiến trâu của người Cor Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Trải qua thời gian, do lễ hội khá tốn kém, nên quy mô nhỏ lại, công trình kiến trúc độc đáo này có nguy cơ bị quên lãng. Huyện Trà Bồng nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung, đã, đang có những chủ trương và hướng đi cụ thể nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cor.


Gu Bla gồm hai bộ phận là Gu Pi và Gu Pô. Gu Pi nằm bên trên tượng trưng cho giống cái, Gu Pô nằm phía dưới tượng trưng cho giống đực; hàm nghĩa thể hiện sự sinh tồn giống nòi theo quan niệm của người Cor. Chúng được nối với nhau bởi thân cây vuông như một khối hài hòa không thể tách rời. Bên trái Gu Bla còn có hình chim chèo bẻo dang rộng hai cánh. Đồng bào coi loài chim này như “thần tượng”, tuy nhỏ nhưng không khuất phục trước bất kỳ loài thú hung dữ nào nơi núi rừng thâm u, giống hệt như khí phách của người Cor luôn hiên ngang vươn thẳng mình lên bầu trời nơi đại ngàn hùng vĩ, không thế lực gì ngăn nổi.

Huyện Trà Bồng phục dựng nhà sàn truyền thống của người Cor.

Gu Bla còn là nơi ghi lại, tái hiện một cách sinh động tất cả những thực thể chuyển biến liên tục trong vũ trụ. Từ trên xuống dưới dày đặc các hoa văn, họa tiết trang trí; mà mỗi hoa văn, họa tiết ấy đều tượng trưng cho một vật thể hữu hình như chim muông, cây cỏ, sông núi, mặt trời, mặt trăng…

Mục đích mà người Cor sáng tạo ra công trình này là để gắn kết cộng đồng lại với nhau. Nó được đặt ở vị trí trang trọng, tôn nghiêm của ngôi nhà để mỗi khi diễn ra lễ hội hiến trâu, các nghệ nhân, khách khứa lui tới giao lưu cùng chủ nhân những làn điệu Cà lu, A lát. Cà lu theo cách nghĩ của người dân nơi đây là điệu tế thần, hát kể; còn A lát là điệu khóc kể. Họ kể cho Giàng, cho nhau nghe về cuộc sống, con trâu, tình cảm gia đình và những gì họ trải qua, chịu đựng. Gu Bla thường có 9 tua (9 phướng), cứ thế mỗi người ôm lấy một tua mà khóc, mà hát.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Trà Bồng cho hay: Cách đây 4 tháng, huyện đã phục dựng xong nhà sàn truyền thống của người Cor, đặt trong khuôn viên của Huyện ủy. Bên cạnh những hiện vật có giá trị được sưu tầm và trưng bày tại đây, địa phương cũng quan tâm đến việc mô phỏng lại Gu Bla, công trình điêu khắc gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân để quảng bá, giới thiệu đến du khách. Cùng với đó, ngành văn hóa thông tin huyện cũng đã tích cực mở nhiều lớp học để các nghệ nhân lâu năm truyền dạy kinh nghiệm điêu khắc cho thế hệ hậu sinh.

Ông Cao Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thông tin, Gu Bla là một kiến trúc mỹ thuật dân gian độc đáo, khác biệt với các dân tộc khác. Sở đang xem xét đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Gu Bla của đồng bào Cor Trà Bồng là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở cũng chủ trương đưa Gu Bla vào bảo tàng, giới thiệu trên sách, báo để độc giả biết và tìm hiểu; đồng thời khuyến khích đồng bào Cor, chủ nhân sáng tạo ra Gu Bla lưu giữ gìn, không để kiến trúc này mai một.
Vĩnh Trọng
Tết Giã rạ của đồng bào Cor  ở Quảng Ngãi
Tết Giã rạ của đồng bào Cor ở Quảng Ngãi

Đồng bào dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi, sống chủ yếu ở các huyện Tây Trà, Trà Bồng, với nghề chính là trồng quế và lúa rẫy. Hằng năm, đồng bào Cor tổ chức Tết Giã rạ từ tháng 10 - 11 Âm lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN