Để làm được những sản phẩm này, trước đây người J'rai và Bahnar phải đi lấy vỏ cây, rễ cây trong rừng để dùng cho việc pha màu; trồng bông trong vườn để lấy sợi... Có như vậy các sản phẩm mới đẹp, bền chắc (khó rách và khó phai màu). Mỗi sản phẩm được làm ra phải mất nhiều tháng, thậm chí nếu có hoa văn phức tạp và cỡ kích lớn như váy nữ, tấm đắp...phải mất khoảng 4 - 5 tháng mới hoàn thành.
Ngày nay, chịu sự tác động của cơ chế thị trường, hơn nữa các loại nguyên liệu từ rừng cũng khó tìm kiếm nên nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người J'rai và Bahnar cũng "chuyển hướng" cho phù hợp với tình hình thực tế. Các loại nguyên liệu như chỉ, sợi len đủ màu sắc đều được mua từ các chợ nên thời gian dệt nhanh hơn trước.
Ngoài các sản phẩm truyền thống, nhiều chị em còn sáng tạo ra các sản phẩm mới mang tính hàng hoá như, túi xách, khăn ấm choàng cổ, quần áo trẻ em, ví, mũ... tạo ra nguồn hàng lưu niệm cho du khách thập phương khi đến với Gia Lai.
Tại làng Dôr 2 - làng nghề dệt thổ cẩm của người Bahnar ở xã Glar (huyện Đăk Đoa), có khoảng hơn 10 khung dệt lớn, nhỏ tập trung ở nhà chị Đinh Mlơnh. Đây cũng là địa điểm chị em trong làng tranh thủ thời gian nông nhàn đến để cùng nhau thêu dệt cũng như truyền nghề cho con cháu.
Chị Đinh Mlơnh, chủ làng nghề dệt thổ cẩm ở làng Dôr 2 cho biết: Hầu hết phụ nữ trong làng đều biết dệt và dệt khéo, có những cháu gái mới 10 tuổi cũng đã biết ngồi khung để dệt. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để làng nghề này được đứng vững. Nhiều chị em đã sống được với nghề này, nhiều hộ có từ 2 - 3 lao động tham gia cũng có thêm thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Khẳng định giá trị của các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ người J'rai và Bahnar giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo này.
Nhiều làng nghề dệt thổ cẩm cũng bước đầu được hình thành ở nhiều địa phương và phát huy hiệu quả như, làng nghề dệt của người Bahnar ở xã Glar (huyện Đăk Đoa), làng nghề dệt của người J'rai ở xã Biển Hồ (thành phố Pleiku)… Còn ở các huyện như K'Bang, Mang Yang, Ia Pa...tuy chưa hình thành các làng nghề dệt thổ cẩm song rất nhiều nhà cũng đã có khung dệt và sử dụng trong lúc nông nhàn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng trong tỉnh còn phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm lưu truyền nghề cho các thế hệ sau như mở các lớp truyền dạy, liên hoan cồng chiêng gắn liền với dệt thổ cẩm...
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, nghề dệt thổ cẩm của người J'rai và Bahnar ở các buôn làng dân tộc thiểu số đều bị mai một dần trước sự tác động mạnh của cơ chế thị trường. Để khôi phục dần bản sắc văn hoá truyền thống này, ngành Văn hóa đã cùng với các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát thực tế và tích cực hỗ trợ về nhiều mặt, tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy.
Đồng thời, các ngành, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bản sắc văn hoá độc đáo này trong cộng đồng các dân tộc; mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ...