Tuy nhiên, hiện số nghệ nhân dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn ngày càng ít đi, trong khi thế hệ trẻ lại ít người theo học, khiến nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Pà Thẻn đang bị mai một, có nguy cơ thất truyền.
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Pà Thẻn có 6.811 người, sống tập trung tại một số xã của tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Huyện Quang Bình (Hà Giang) là nơi có đông người Pà Thẻn sinh sống.
Bà Xìn Thị Giang (53 tuổi, người dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quanh Bình) là một trong 60 nghệ nhân dệt thổ cẩm của xã Tân Bắc. Những thế hệ vàng của nghề dệt thổ cẩm để làm trang phục người Pà Thẻn đang dần ít đi và điều đáng lo ngại hơn vì thế hệ trẻ ngày nay rất ít người học nghề và theo nghề. Bà Xìn Thị Giang cho biết: “Tôi có đứa con gái, dạy nó từ năm 10 tuổi đến năm 15 tuổi mới biết dệt. Đến đời các cháu tôi hiện nay, do chúng bận học, bận làm ăn xa, việc truyền dạy gặp rất nhiều khó khăn. Ở xã này, rất ít cháu theo học nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thế hệ chúng tôi đã già rồi, chúng tôi rất lo nghề dệt bị thất truyền”.
Nhằm gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, năm 2018, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tân Bắc được thành lập. Tại đây, các nghệ nhân vừa truyền dạy cho chị em trong xã, vừa tạo ra các sản phẩm bán ra thị trường và phục vụ khách du lịch.
Chị Tải Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tân Bắc, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình cho hay, Hợp tác xã được thành lập với mong muốn quy tụ các nghệ nhân lại để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, Hợp tác xã đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, do vậy chưa tạo động lực để các nghệ nhân tham gia. “Chúng tôi đã mở được một lớp truyền dạy cho chị em trong xã với 20 người tham gia, nhưng chỉ có được 3 người theo học đến cùng. Với các cháu nhỏ, chúng tôi cũng đã mở 2 lớp vào dịp nghỉ hè nhưng rất ít cháu theo học” – chị Mai chia sẻ.
Thời gian cho một nghệ nhân làm việc liên tục để dệt hoàn thiện một bộ trang phục nữ của người Pà Thẻn phải mất gần hai tháng. Công đoạn khó làm và mất nhiều thời gian nhất là những họa tiết, hoa văn cầu kỳ. Trước đây, phụ nữ Pà Thẻn ở My Bắc hầu như ai cũng biết dệt quần áo vì trước khi về nhà chồng người con gái được mẹ truyền dạy cho kỹ thuật và từng công đoạn dệt, họ phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới để mặc trong ngày cưới. Một vài năm gần đây, người Pà Thẻn dệt quần áo ít hơn so với trước, trang phục truyền thống cũng chỉ được mặc vào những ngày lễ, ngày tết, đám cưới… còn lại những ngày thường không mấy ai mặc.
Bà Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết, Quang Bình với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó xã Tân Bắc có cộng đồng người dân tộc Pà Thẻn sinh sống đông nhất trên địa bàn huyện. Nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc nói chung và dân tộc Pà Thẻn nói riêng, huyện Quang Bình đã chỉ đạo các đơn vị trường học, các xã, thị trấn tổ chức cho con em học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ Hai hàng tuần. Các em là người dân tộc nào sẽ mặc trang phục của dân tộc đó.
Đối với riêng dân tộc Pà Thẻn là dân tộc rất ít người, lãnh đạo huyện Quang Bình đã có đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự hỗ trợ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của người Pà Thẻn, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.