Theo đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ trong đồng bào dân tộc Khmer về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình tại Hậu Giang; đồng thời vận động trong cộng đồng dân tộc Khmer hình thành các câu lạc bộ hát Aday, nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày; tổ chức các câu lạc bộ hát Aday giao lưu với nhau trên địa bàn tỉnh.
Một tiết mục hát Aday của đồng bào Khmer. |
Cùng với đó, Hậu Giang tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật hát Aday các cấp, từ tỉnh đến cơ sở nhằm phát động phong trào hát Aday trong đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, ngành văn hóa phối hợp các cơ sở đào tạo, nhất là các trường dân tộc nội trú của tỉnh mở các lớp nghệ thuật hát Aday; tăng cường công tác nghiên cứu loại hình nghệ thuật hát Aday, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này trên địa bàn Hậu Giang.
Nghệ thuật hát Aday là cách hát đối đáp giữa bên trai và bên gái mang nhiều nội dung phong phú, khi là một lời ví von quen thuộc, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn. Đôi khi lối hát đối đáp Aday có kèm theo múa, vừa múa vờn nhau giữa những đôi trai gái vừa hát đối nhau hoặc hóa trang bằng mặt nạ, lôi cuốn được đông đảo thanh niên tham gia. Lời hát và điệu múa mang tính thần bí, tín ngưỡng của người Khmer, cầu mong cho làng xóm bình yên, cuộc sống con người trong phum sóc ấm no hạnh phúc.